Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra và thường bùng phát vào mùa xuân. Tuy đây là một bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não...
Do đó để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như những người thân xung quanh, bạn nên ghi nhớ các dấu hiệu và cách chăm sóc người bị bệnh thủy đậu dưới đây.
Dấu hiệu và cách chăm sóc người bị thủy đậu
Dấu hiệu bị thủy đậu
Sau khi virus Varicella Zoster - nguyên nhân gây bệnh thủy đậu, xâm nhập vào cơ thể, trải qua thời gian khoảng 10 - 20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng.
Các dấu hiệu thường gặp ở người bị thủy đậu thường là sốt trên 38 độ C, đau đầu, cơ thể mệt mỏi, chán ăn... Đồng thời trên da người bệnh cũng bắt đầu xuất hiện các đốm màu hồng nhạt và trong vòng 12 -24 giờ, chúng sẽ phát triển thành những mụn nước. Các mụn nước này thường xuất hiện khắp cơ thể nhưng nhiều nhất là ở mặt, ngực, da đầu.
Trong trường hợp thông thường những mụn nước này sẽ khô đi, trở thành vảy và tự khỏi trong vòng 4 -5 ngày. Tuy nhiên, ở trẻ em bệnh thường kéo dài từ 5 - 10 ngày. Trong thời gian này phụ huynh nên để con ở nhà, tránh đến trường lây bệnh cho người khác.
Biến chứng của bệnh thủy đậu
Các mụn nước khiến người bệnh thủy đậu vô cùng ngứa ngáy. Nếu gãi chúng sẽ bị vỡ, dẫn đến nhiễm trùng. Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác như: viêm màng não, nhiễm trùng máu, xuất huyết, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị đúng cách.
Nếu người bệnh trong thời gian phát bệnh có những biểu hiện như dễ bị kích thích, co giật, đau đầu dữ dội, ngủ li bì... phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện ngay vì đây là triệu chứng của viêm não.
Cách chăm sóc người bị thủy đậu
Khi trong gia đình có người mắc bệnh thủy đậu, để tránh lây lan người bệnh cần được cách ly tại nhà và chăm sóc như sau:
- Nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời và thời gian cách ly là khoảng 7 - 10 ngày từ lúc phát hiện bệnh cho đến khi các mụn nước khô vảy hoàn toàn.
- Phải sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như: khăn mặt, ly, chén, muỗng...
- Với những mụn nước bị vỡ nên dùng dung dịch xanh Methylene để chấm lên.
- Nhỏ mũi thường xuyên bằng dung dịch muối sinh lý.
- Nên mặc quần áo rộng rãi, nhẹ, mỏng và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm.
- Cho người bệnh ăn các món mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo và phải uống uống nhiều nước hay nước hoa quả để giúp cơ thể sớm hồi phục.
- Khi tiếp xúc với người bệnh, bạn cần phải đeo khấu trang và rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.
- Đối với phòng ở của người bệnh, bạn nên vệ sinh hàng ngày bằng nước Javel và rửa lại bằng nước sạch.
Biết được dấu hiệu và cách chăm sóc người bị thủy đậu ở trên, hy vọng bạn sẽ bảo vệ được sức khỏe của mình cũng như những người thân xung quanh nhé!