Gia tăng căn bệnh ung thư đại trực tràng
Cách đây 3 năm, nghệ sĩ trong nước và người hâm mộ đều bàng hoàng trước sự ra đi của cố nhạc sĩ Trần Lập vì bệnh ung thư đại trực tràng, căn bệnh ung thư đường tiêu hoá phổ biến ở Việt Nam.
Theo thạc sĩ Phạm Mạnh Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), ung thư đại trực tràng là bệnh lý khá phổ biến trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức ung thư thế giới, mỗi năm có gần 800.000 ca mới mắc ung thư đại tràng và khoảng nửa triệu người chết vì bệnh này.
Thống kê của Glocoban cho biết ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 sau các bệnh ung thư dạ dày, phổi, vú hay ung thư gan. Bệnh gia tăng cả ở hai giới, đặc biệt là hiện tượng trẻ hoá ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
Nguyên nhân của ung thư đại trực tràng hiện nay vẫn chưa xác định. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra các yếu tố mắc ung thư như chế độ ăn uống ít rau xanh, hoa quả, lười vận động. Những người béo phì, những người gia đình có tiền sử ung thư đại trực tràng, polyp đại trực tràng đặc biệt là polyp có yếu tố gia đình.
Thạc sĩ Khánh cho biết bệnh ung thư đại trực tràng nếu ở giai đoạn sớm tỷ lệ có thể chữa khỏi lên đến 90%. Tuy nhiên, tại Việt Nam đa số bệnh nhân đến viện khám khi bệnh ung thư đại trực tràng biểu hiện triệu chứng chảy máu, thay đổi thói quen đại tiện hoặc đau bụng. Lúc này, bệnh thường ở giai đoạn tiến triển muộn và tỷ lệ chữa khỏi chỉ khoảng 50%.
Để phát hiện bệnh sớm nhất, các bác sĩ cho rằng cần thay đổi thói quen kiểm tra sức khoẻ thường xuyên. Những người nằm trong các yếu tố nguy cơ như trên cần kiểm tra nội soi đại trực tràng bằng ống mềm mỗi năm một lần để có thể phát hiện những tổn thương sớm nhất.
Thạc sĩ Khánh nhấn mạnh polyp đại trực tràng có thể là những yếu tố cảnh báo tiền ung thư. Nếu kiểm tra đại trực tràng bằng nội soi có thể sàng lọc sớm polyp tránh nguy cơ ung thư hoá cao nhất.
Dấu hiệu của ung thư đại trực tràng cần nhớ
Ung thư đại trực tràng có thể nhận biết thông qua biểu hiện của đường tiêu hoá.
Dấu hiệu cảnh báo sớm nhất là rối loạn tiêu hoá, thay đổi thói quen đi đại tiện. Bệnh nhân có các dấu hiệu đi ngoài táo bón, lúc thì tiêu chảy, khuôn phân dẹt nhỏ, đi đại tiện xong cảm giác vẫn muốn đi đại tiện nữa.
Dấu hiệu thứ hai là đi đại tiện ra máu. Đối với trĩ, bệnh nhân đi đại tiện ra máu tươi trên khuôn phân. Trong khi đó, ung thư đại trực tràng phân có màu đen, nhầy nhầy máu. Do các khối u trong lòng đại trực tràng gây chảy máu và theo phân ra ngoài.
Dấu hiệu thứ ba là bệnh nhân có cảm giác đau bụng. Đau râm râm và đau vùng bụng dưới, cảm giác sờ có khối u. Lúc này bệnh đã ở giai đoạn xâm lấn.
Dấu hiệu thứ tư, toàn thân bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, sụt cân. Do khối u phát triển bệnh nhân cảm giác mệt mỏi và sụt cân nhanh chóng. Bệnh thường đã ở giai đoạn muộn.
Khi thấy các dấu hiệu trên, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khoẻ, sàng lọc ung thư đại trực tràng. Nếu điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể sống khoẻ với bệnh trên 5 năm.
Việc điều trị ung thư đại trực tràng, bác sĩ sẽ chẩn đoán với từng bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất. Trong đó chủ yếu là phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, điều trị sinh học phân tử.
Hiện nay, kỹ thuật phẫu thuật đã phát triển. Có thể thực hiện mổ nội soi hoặc mổ mở. Một vài bệnh nhân phải phẫu thuật trước mới sử dụng các phương pháp hỗ trợ khác. Tuy nhiên, có những bệnh nhân sẽ phải xạ trị, hoá chất trước mới mổ sau.
Cách phòng ung thư đại trực tràng, bác sĩ Khánh khuyến cáo nên tăng cường chế độ ăn uống giàu rau xanh, hoa quả tươi. Giảm các thực phẩm giàu chất béo như thức ăn nhanh, thực phẩm hun khói, thực phẩm giàu nitrat.
Tăng cường luyện tập thể dục để giảm cân, duy trì lối sống tĩnh tại cũng là biện pháp phòng ung thư đại trực tràng tốt nhất.