Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Hà, khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết nicotine là chất có trong cây thuốc lá, thuốc lào và gây nghiện. Hiện chất này có mặt trong rất nhiều hình thức và khá phổ biến như thuốc lá điện tử (vape), nicotine dạng lỏng, kẹo cao su có chứa nicotine, miếng dán nicotine, viên ngậm nicotine, thuốc hít, thuốc xịt, một số loại thuốc trừ sâu.
Dấu hiệu ngộ độc nicotine
Sau khi sử dụng các sản phẩm chứa nicotine, người dân có nguy cơ ngộ độc chất này. Những trường hợp có nguy cơ ngộ độc chất này thường do sử dụng quá nhiều thuốc lá, thuốc lào và nicotine lỏng.
"Nicotine có nguy cơ ngộ độc và gây nghiện. Đây là nguyên nhân làm nhiều người sử dụng. Người nghiện nicotine gặp các triệu chứng như lo âu, cảm giác thèm mãnh liệt, buồn phiền, khó tập trung, dễ cáu gắt...", bác sĩ Ngọc Hà cho hay.
Những trường hợp ngộ độc chất này có thể do trẻ em ăn phải các sản phẩm có chứa nicotine (viêm ngậm, kẹo) hoặc uống, tiếp xúc với chất lỏng nicotine. Nicotine từ thuốc lá điện tử đặc biệt nguy hiểm, vì những sản phẩm này thường gây tò mò với trẻ. Chúng được điều chế với các hương vị gây thu hút trẻ em.
"Người lớn hút thử thuốc lá điện tử có nguy cơ ngộ độc nicotine cao hơn người hút thuốc thường xuyên. Sử dụng miếng dán nicotine hoặc kẹo cao su có chứa chất này cùng lúc trong khi hút thuốc cũng có thể dẫn đến quá liều. Nhai hoặc hít thuốc lá (dạng bột) có xu hướng giải phóng nhiều nicotine vào cơ thể hơn hút thuốc sợi thông thường", bác sĩ Hà nói.
Bên cạnh đó, bác sĩ Ngọc Hà cho hay dung nạp thụ động cũng có thể là vấn đề cho cả người lớn lẫn trẻ em. Khói từ thuốc lá điện tử có thể phả ra môi trường, đọng trên vải quần áo, vật dụng hoặc các bề mặt khác có thể tác động đến những người chạm vào hay hít phải chúng.
Quá liều nicotine phụ thuộc vào các yếu tố như trọng lượng cơ thể và lượng chất. Liều nicotine gây nguy hiểm cho người lớn là 50-60 mg, tương đương khoảng 5 điếu thuốc. 10 ml dung dịch chứa nicotine có thể gây tử vong, tuy nhiên thực tế tỷ lệ tử vong do ngộ độc nicotine thường thấp. Đặc biệt, trẻ em dễ bị ảnh hưởng của nicotine nhiều hơn. Lượng nicotine trong một điếu thuốc lá là đủ để gây bệnh cho trẻ.
Bác sĩ Ngọc Hà cho biết ngộ độc nicotine có thể xảy ra 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: 15-60 phút sau dung nạp, người hút tứa nhiều nước bọt trong miệng, chóng mặt, đau bụng, nôn, mất vị giác, cảm giác háo khát, kích ứng mắt, đau đầu, run, bồn chồn, đổ mồ hôi, ho, thở nhanh, nhịp tim tăng, tăng huyết áp.
- Giai đoạn 2: Tác dụng ức chế của nicotine kéo dài trong vòng vài giờ và gây ra các dấu hiệu cơ thể bắt đầu yếu đi, huyết áp hạ, nhịp tim chậm, thở yếu hoặc suy hô hấp, tiêu chảy, mệt mỏi, da nhợt nhạt... Trong trường hợp nặng có thể dẫn tới co giật, suy hô hấp, hôn mê. Chúng có thể gây tử vong nhưng rất hiếm gặp.
Xử trí khi ngộ độc nicotine
-Điều trị ngộ độc nicotine cần được thực hiện tại bệnh viện.
- Các biện pháp điều trị phụ thuộc vào lượng nicotine dung nạp và các triệu chứng gặp phải:
+ ABCs: Đặt nội khí quản sớm bảo vệ đường thở, thông khí nhân tạo sớm.
+ Bolus dịch đường tĩnh mạch, đảm bảo cân bằng nước - điện giải.
+ Thuốc giải độc đặc hiệu: Atropin, PAM.
+ Đảm bảo dinh dưỡng.
+ Kiểm soát các bệnh lý kèm theo.
- Tiên lượng ngộ độc nicotine phụ thuộc vào lượng đã hấp thu và thời gian, tốc độ xử trí ngộ độc. Với xử trí sớm, kịp thời, hầu hết người bị ngộ độc đều phục hồi hoàn toàn mà không có di chứng lâu dài.
Bác sĩ Lê Ngọc Hà khuyến cáo người bệnh ngộ độc nicotine phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa là ngừng sử dụng thuốc lá và các sản phẩm có chứa nicotine khác. Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm:
- Cẩn thận bảo vệ da, đặc biệt là khi sử dụng chất lỏng chứa Nicotine.
- Cất giữ an toàn các sản phẩm nicotine tránh xa trẻ em.
- Không vứt bừa bãi các sản phẩm chứa nicotine sau khi sử dụng (từ tàn thuốc lá, lọ đựng dung dịch nicotine rỗng...).