Mụn rộp ở môi hay herpes môi (còn được gọi là chốc mép) là bệnh truyền nhiễm virus phổ biến. Căn bệnh này có thể lây ngay cả khi chúng ta không thấy các vết loét và một khi đã bị nhiễm, không có cách điều trị. Bệnh sẽ tái phát mà không thể chữa dứt điểm. Do đó, nó được mệnh danh là “nụ hôn thần chết”.
Triệu chứng
Các mụn rộp quanh môi thường là những mụn nước, chứa đầy chất lỏng, tụ lại thành từng mảng. Sau khi vỡ ra, các vết mụn đóng thành vảy trong vài ngày. Herpes môi sẽ lành sau 2-3 tuần và không để lại sẹo.
Bệnh thường lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần gũi như hôn. Mụn rộp ở môi thường do virus herpes simplex loại 1 (HSV-1) gây ra, ít phổ biến hơn là HSV-2. Cả hai loại đều có thể ảnh hưởng miệng hoặc bộ phận sinh dục, lây lan khi quan hệ tình dục bằng miệng.
Theo Mayo Clinic, người mắc mụn rộp ở miệng thường trải qua một số giai đoạn. Đầu tiên là ngứa ran, rát quanh môi trong một ngày hoặc lâu hơn trước khi xuất hiện nốt nhỏ, cứng, đau và chùm mụn nước.
Sau đó, các mụn nước chứa đầy chất lỏng sẽ xuất hiện dọc theo viền môi, đôi khi là ở mũi, má hoặc bên trong miệng. Cuối cùng là các chùm mụn vỡ ra, để lại những vết loét hở nông, rỉ nước và đóng vảy.
Các dấu hiệu sẽ xuất hiện trong bao lâu tùy thuộc đây là lần đầu hay đợt tái phát. Nếu là lần đầu tiên bị mụn rộp, triệu chứng thường kéo dài tối đa 20 ngày kể từ khi bạn tiếp xúc virus. Các vết loét có thể tồn tại vài ngày, mụn nước sẽ biến mất sau 2-3 tuần và lành hoàn toàn. Các đợt tái phát xuất hiện ở cùng vị trí ở lần đầu tiên và ít nghiêm trọng hơn lần đầu.
Ở lần đầu mắc bệnh, chúng ta có thể bị sốt, đau nướu, viêm họng, đau đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết. Trẻ dưới 5 tuổi có thể bị mụn rộp trong miệng.
Thông thường, bệnh thường tự khỏi mà không cần điều trị. Song, nếu người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu, mụn không lành sau 2 tuần, triệu chứng nghiêm trọng, tái phát thường xuyên, khó chịu quanh mắt, bạn cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám.
Vì sao mụn rộp ở môi không thể chữa khỏi?
Virus HSV-1 thường gây ra mụn rộp ở miệng. Trong khi đó, HSV-2 gây bệnh mụn rộp sinh dục. Nhưng cả hai loại đều có thể lây lên mặt, vùng kín khi tiếp xúc gần như hôn, quan hệ tình dục bằng miệng. Dùng chung dụng cụ ăn uống, dao cạo râu, khăn tắm cũng có thể gây lây nhiễm HSV-1.
Mụn rộp dễ lây lan nhất khi chảy mủ. Nhưng ngay cả khi không có vết loét, các virus vẫn dễ truyền qua đường tiếp xúc gần. Nhiều người đã mắc bệnh nhưng không có triệu chứng. Khi virus herpes vào cơ thể, nó sẽ nằm im trong tế bào thần kinh trên da và “bị đánh thức” bất cứ khi nào vì các yếu tố như sốt, virus khác xâm nhập, thay đổi nội tiết tố, căng thẳng, mệt mỏi, tiếp xúc ánh sáng, gió, thay đổi trong hệ miễn dịch, tổn thương da.
Mụn rộp ở môi có thể lan sang các ngón tay (thường được gọi là herpes whitlow); mắt hoặc những vùng da lan rộng khắp cơ thể.
Theo Telegraph, mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Wurzberg, Đức, đã khám phá ra cách thức kích hoạt của virus herpes, khiến chúng ta không thể chữa khỏi căn bệnh này. Virus tạo ra vật liệu di truyền được gọi là miR-aU14. Nó hoạt động như công tắc bật, tắt virus trú ẩn trong cơ thể. miR-aU14 vô hiệu hóa khả năng ngăn chặn virus của hệ miễn dịch, khiến nó sao chép nhanh hơn. Tuy nhiên, cơ chế đóng/mở, bật/tắt của chất này vẫn chưa được tìm ra.
Giáo sư Lars Dolken, tác giả của nghiên cứu, nói với The Telegraph: “Nguyên nhân ban đầu khiến virus tái hoạt động có thể là nhiều yếu tố tiềm ẩn như căng thẳng, các bệnh nhiễm trùng khác, ức chế miễn dịch. Trong đó, miR-aU14 có thể kích hoạt virus tái hoạt động bằng hai cách. Nó cho phép virus tái kích hoạt các phản ứng miễn dịch bên trong vật chủ hoặc kích thích gene của virus nhân lên”.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cho rằng nếu nhắm thẳng vào miR-U14, họ có thể phát triển thành công phương pháp mới giúp điều trị dứt điểm virus herpes. Đây là điều rất đáng để hy vọng nhưng vẫn còn nhiều nghiên cứu sâu cần thực hiện trước khi chúng ta có được bước đột phá này.
Để tránh lây nhiễm virus herpes cho người khác hoặc lan sang những bộ phận khác của cơ thể, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh không nên hôn, tiếp xúc da kề da với người khác khi đang có chùm mụn rộp. Đây là lúc virus dễ lây lan nhất.
Bạn cũng nên tránh sử dụng chung đồ như khăn tắm, son dưỡng môi, vật dụng cá nhân khác. Trong thời gian bị mụn rộp ở môi, bệnh nhân cần chú ý rửa sạch tay trước khi chạm vào vùng da khác trên cơ thể hoặc người khác, đặc biệt là trẻ sơ sinh.