Bạn hỏi, "lão ấy cư xử với vợ con và gia đình nhà mày thế mà mày vẫn nói tốt cho lão, mày có điên không?".
Tôi cười, bạn nói tôi điên cũng có lý, tôi cũng đã từng phát điên khi một ngày chồng đưa đơn ly hôn, anh nói tôi rất tốt, đối xử với gia đình anh chu đáo nhưng anh đã có người khác, cầu xin tôi buông tay, tôi nói cho tôi một tháng suy nghĩ.
Tôi nói chuyện với bố mẹ anh, sau phút chưng hửng, bố đập nát ly trà và bỏ đi, mẹ rấm rứt khóc "cô đã làm gì nên nó mới chán!". Rồi bà vạch tội tôi làm vợ mà cái gì cũng muốn hơn chồng, có chồng có con rồi còn đòi đi học, là đi học hay đi đú đởn vứt con cho chồng chăm, đàn bà chỉ nên lấy nghề nghiệp làm đồ trang sức, bon chen phấn đấu làm gì, kiếm tiền nhiều hơn chồng thì vui lắm đấy!
Tôi kinh ngạc, không hiểu mẹ chồng lấy những "chân lý" này ở đâu ra. Hay chồng tôi nói với bà trong bất mãn?
Sinh con, chồng không muốn tôi đi làm, nói đợi con đi nhà trẻ rồi tính, nghe lời chồng, thương con, tôi chấp nhận ở nhà nhưng ghi danh vài khóa học từ xa. Tôi biết mình sẽ không ở nhà mãi nên tranh thủ trang bị thêm thứ gì hay thứ nấy. Con càng lớn tôi càng có nhiều thời gian rảnh, tôi nhận thêm sổ sách về nhà làm, vừa thêm thu nhập vừa không quên việc. Mỗi tháng chồng đưa tôi năm triệu thì tôi biết xoay trở sao?
Con ba tuổi, tôi chính thức đi làm, sáng đưa con đi học, tuần ba lần nhờ chồng đón về. Công việc của chồng khá nhàn, nhưng không hiểu sao anh không thích về nhà ngay, hầu như chiều nào anh cũng hẹn bạn đi cà phê hay chơi bóng dù lương không cao và trong nhà có con nhỏ. Tôi cũng tế nhị không nói mức lương mình, mua gì tôi cũng phải giảm đi nửa giá.
Anh không có chí tiến thủ, lại sinh ra trong gia đình hiếm con trai, mỗi khi về nhà anh chẳng phải làm gì dù là nhà có đám giỗ hay bốc mộ, anh chỉ ngồi bàn nước tiếp khách hoặc nằm giường nghịch điện thoại, con anh cũng không trông, tôi nhờ thì anh gọi một trong các chị gái ra. Các chị khó chịu khi thấy tôi sai chồng, mẹ anh cũng nặng nhẹ nói bà là mẹ còn chưa dám sai bảo, nói gì tôi. Đàn ông nhà này sinh ra để gánh vác gia đình, làm việc lớn chứ không phải bế con rửa bát quét nhà.
Thật ra, ở nhà anh cũng có phụ giúp, chỉ khi về quê anh mới giữ "nề nếp gia đình" nên tôi cũng kệ, chúng tôi mới có một đứa con, nhà cửa cũng chẳng bày biện gì nhiều nên thu dọn loáng là xong.
Nhưng, tôi không nghĩ sự nín nhịn chín bỏ làm mười của mình lại là lý do khiến anh chán, đi tìm người phụ nữ khác. Thời gian một tháng suy nghĩ, anh không về nhà, cũng không để ý tới con. Tôi ký đơn vào ngày thứ mười lăm, rút còn nửa thời gian giao hẹn cùng tờ thỏa thuận phân chia tài sản, tất nhiên, con phải do tôi nuôi.
Tôi gợi ý tất cả chia đôi khiến anh và cha mẹ anh nhảy dựng, nói tôi làm được gì, tôi ở nhà ăn bám bốn năm, một mình chồng đi làm. Cả nhà còn xúm lại nói tôi bằng những lời lẽ khó nghe, trên hết là đay nghiến tôi tham lam, hả hê khi tôi bị chồng bỏ.
Tôi không có trách nhiệm giải trình với nhà chồng, tôi gửi anh bảng sao kê ngân hàng, chính xác tôi không có lương ba tháng, sau đó thu nhập chính của tôi chỉ gấp đôi anh, chưa kể các khoản thu từ làm thêm. Nhìn anh kinh ngạc, tôi cười.
Chúng tôi ly hôn, mẹ chồng vẫn không ngừng gọi tới xúc xiểm, nói tôi giấu diếm làm quỹ đen. Tôi nói thẳng, nếu không làm quỹ đen thì nay mẹ con tôi chết đói à. Và tôi cảnh cáo, nếu bà muốn hỏi thăm hay nói chuyện với cháu nội thì tôi hoan nghênh, còn gọi điện hay nhắn tin mắng nhiếc thì thôi đi, vì tôi với bà là người dưng, coi chừng tôi kiện vì tội xúc phạm người khác.
Với chồng, khi anh đến thăm con tôi tế nhị để hai bố con ở cạnh nhau. Anh vẫn ở vậy, tháng trước còn đến vay tôi tiền mua chung cư, tôi cho vay với yêu cầu công chứng đàng hoàng.
Bạn nói tôi điên, mắc gì phải đối xử tốt với kẻ bạc bẽo, tôi cười, kẻ bạc bẽo ấy là người tôi từng yêu, từng gọi là chồng, mắng chửi anh ta có khác nào nói mắt nhìn người của tôi kém cỏi, dẫu gì anh ta cũng là bố của con gái tôi, mắng nhiếc tôi có lợi gì. Giá trị của một người còn khi người ta còn nằm trong tim trong óc người khác, và lãng quên là cách trả thù khéo léo và thanh thản nhất.
Tôi không điên, chẳng qua tôi chỉ tôn trọng quá khứ của mình, dẫu gì cũng một đoạn đường yêu.