Đây là ca bệnh mà bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai mới tiếp nhận. Trước đó, người bệnh bị thương, chảy máu mắt cá chân do vật sắc nhọn gây ra. Để cầm máu, người này đã đắp mùn cưa lên vết thương.
Tuy nhiên, vài ngày sau, vết thương nhiễm trùng, sưng nề và có dấu hiệu hoại tử.
“Người bệnh đến viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc, nguy cơ phải tháo khớp. Rất đáng tiếc chỉ vì một vết thương nhỏ, xử lý ban đầu không đúng đã gây ra hậu quả hết sức nặng nề, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng”, bác sĩ Hùng bày tỏ.
Không chỉ đắp mùn cưa, thực tế mọi người truyền miệng nhau như đắp vật lạ lên vết thương như mạng nhện, thuốc lào, lá trầu, lông cu ly… với mục đích cầm máu.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo người dân tuyệt đối không đắp bất cứ vật lạ nào lên vết thương theo lời truyền miệng vì những cách này sẽ không thể khiến vết thương lành mà còn đưa vi trùng vào cơ thể và gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề.
“Việc đầu tiên người bệnh cần làm khi có vết thương chảy máu là cầm máu, rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng.
Quá trình vệ sinh này có thể gây đau đớn, chảy máu lại. Lúc này cần tiếp tục ép cầm máu rồi sát trùng vết thương một lần nữa bằng thuốc sát trùng.
Sau đó, người xung quanh hãy đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được bác sĩ gắp hết dị vật, kiểm tra gân cơ, tiêm phòng uốn ván. Vết thương sẽ lành trong vòng 7 – 10 ngày.
Vai trò của sơ cứu rất lớn, các động tác đúng sẽ quyết định người bị nạn giảm thiểu nguy cơ tử vong, tránh các biến chứng nặng và giúp hồi phục sớm.
Sơ cứu đúng cách và kịp thời có thể góp phần cứu sống người bệnh. Khi bạn không biết việc mình làm có đúng hay không, thay vì nhiệt tình thì tốt nhất bạn hãy dừng lại và chờ đợi người có chuyên môn giúp đỡ.
Đừng để nạn nhân bị nguy hiểm đến tính mạng khi được người khác nhiệt tình sơ cứu!”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.