Ngày 6-8, TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hoà Bình, cho biết vừa điều trị cho bệnh nhân bị suy đa tạng, nhiễm trùng hoại tử bàn tay trái do rắn hổ mang cắn.
Trước khi nhập viện 4 ngày, bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn vào tay khi đi bắt rắn trên rừng. Sau đó tự chữa trị ở nhà bằng đắp lá cây lên vết thương.
Khi sức khỏe suy yếu và vết rắn cắn bị nhiễm trùng - hoại tử lan rộng thì người nhà mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Bệnh nhân được chuyển đến BV trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, suy đa tạng. Vết rắn cắn ở mu bàn tay trái bị nhiễm trùng, hoại tử nặng nề do nọc độc của rắn và tình trạng bội nhiễm.
“việc tự đắp lá cây lên vết thương 4 ngày trước cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng nhiễm trùng, hoại tử thêm nặng hơn, tiên lượng nguy cơ tử vong cao. Vết thương mu bàn tay trái bị nhiễm trùng, hoại tử có xu hướng lan xuống toàn bộ bàn tay và lên cánh tay, đối diện với nguy cơ phải cắt lọc diện rộng, thậm chí phải đoạn chi” – BS thông tin.
Tại BV, các BS đã kịp thời hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Song song với đó là các biện pháp điều trị ngăn sự nhiễm trùng, hoại tử lan rộng của vết thương, bảo tồn và phục hồi chức năng bàn tay bị rắn cắn.
Sau một thời gian điều trị và chăm sóc tích cực, các tạng suy được hồi phục, sức khỏe của bệnh nhân đã khá dần lên. Tuy nhiên, vết thương bàn tay trái để lại một diện khuyết da khá lớn, lộ rõ các gân duỗi của tay.
Các chuyên gia tiếp tục hội chẩn để tiến hành vá da và phục hồi chức năng bàn tay cho người bệnh. Ca phẫu thuật chuyển 1 vạt da vùng đùi trái lên vá vào vùng da khuyết ở bàn tay trái cho bệnh nhân đã thành công tốt đẹp.
Một tuần theo dõi sau vá da, bàn tay trái của bệnh nhân hồi phục rất tốt, bệnh nhân đã được xuất viện.