Lý do khiến Indonesia rơi vào thế kẹt là do đất nước này có quá nhiều người thu nhập thấp trong khi hạ tầng y tế không được chuẩn bị trước để ứng phó với tình trạng khẩn cấp và quá tải như hiện nay.
Mặt khác, sự pha trộn các yếu tố văn hóa, tôn giáo và địa lý với 17.000 hòn đảo lớn nhỏ khiến chính phủ Indonesia gần như không thể ngăn dịch COVID-19.
Đối với người Hồi giáo, các nghi thức chôn cất thường yêu cầu gia đình phải tẩy rửa thân thể người chết và chôn trong tấm vải, không được hỏa táng hay chôn trong quan tài. Tuy nhiên để tránh lây nhiễm, những người chết vì virus corona cần phải bọc kín trong tấm nhựa và chôn trong các quan tài kín trong vòng 24 giờ sau khi qua đời.
Truyền thông Indonesia thường xuyên đưa tin về các vụ đào mộ vì nhiều gia đình Hồi giáo không chấp nhận kiểu mai táng thời COVID-19.
Bên cạnh đó, nỗi sợ bị lây nhiễm đã gây ra các cuộc bạo loạn và biểu tình ở một số khu vực. Vào tháng 6, một nhóm người tại một thị trấn nhỏ ở Đông Java đã dọa đốt xe cứu thương chở thi thể một người nghi nhiễm virus corona, theo trang Detik.com.
Thêm vào đó, nhiều người dân Indonesia vẫn không chịu đeo khẩu trang, dù là đang ở nơi đông người. Trong chuyến thăm Đông Java hồi tháng 6, ông Widodo từng cảnh báo các quan chức địa phương cần siết chặt các biện pháp chống dịch để ngăn đà lây nhiễm đang rất cao tại khu vực này. Chính quyền Đông Java nói có đến 70% người dân không chịu đeo khẩu trang.
Ngoài ra chính quyền ông Widodo cũng không chọn cách phong tỏa toàn quốc với lý do lo ngại các tác động kinh tế từ COVID-19. Indonesia chỉ ban hành các biện pháp giãn cách xã hội như đóng cửa các trung tâm mua sắm, nhà hàng và khuyến khích mọi người làm việc ở nhà.
Indonesia cũng đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để hồi phục nền kinh tế. Chính việc nới lỏng này đang khiến cuộc khủng hoảng COVID-19 ngày càng nghiêm trọng hơn. Số ca nhiễm virus corona vẫn đang tăng rất nhanh ở Indonesia.
Kể từ cuối tháng 5 đến nay, số người mắc virus corona đã tăng gấp 3 và vượt quá 88.000 người với hơn 4.200 người chết. Indonesia hiện là quốc gia có số ca nhiễm nhiều hơn cả Trung Quốc - nước bùng phát ổ dịch đầu tiên, và nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á.