Khi đàn bà lấy chồng, họ biết rằng một gia đình chồng tốt, vật chất tốt cũng không bằng một người chồng tốt. Nhiều người vẫn vui vẻ bước vào cuộc hôn nhân của mình với một người đàn ông nghèo cho dù biết rằng bao nhiêu khó khăn đang đợi mình. Đàn bà lấy chồng nghèo không khổ, khổ nhất là lấy phải một người vô dụng, lười biếng, lại chẳng thương yêu hay trân trọng. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, hôn nhân cũng có muôn vạn hình hài. Đáng sợ nhất với đàn bà chính là lấy phải một kẻ vừa không có tiền lại vừa rất hèn.
Người ta nói rằng phụ nữ sau khi kết hôn một thời gian sẽ bị vỡ mộng. Còn chị, lại chua chát nhận ra mình cưới nhầm chồng ngay trong ngày kết hôn. Chiều hôm đó, khi khách khứa ra về hết, ba mẹ chồng có gọi vợ chồng chị lại để nói chuyện. Chị sững sờ khi biết được rằng để tổ chức đám cưới này, chồng chị đã mượn một số tiền rất lớn. Cộng thêm số tiền riêng của anh mượn tiêu xài trước khi kết hôn nữa, bây giờ chuyện trả nợ là của anh chị, chẳng can dự đến họ nữa. Chị nghe nghẹn đắng. Cứ ngỡ đám cưới rình rang, mâm cao cỗ đầy là do nhà chồng tổ chức, ai ngờ chồng chị vì sĩ diện lại mượn nợ để mát mặt với bạn bè.
Cưới chồng về, mới biết chồng mình chẳng như cái vẻ bảnh bao, tử tế vẫn hay thể hiện với mọi người. Trước kia, chị nghĩ anh có công việc ổn định. Nhìn anh lúc nào cũng đi xe tay ga đắt tiền, quần áo bảnh bao cũng không bao giờ nghĩ trong túi anh chẳng có đồng nào. Chồng chị nghèo nhưng rất lười làm, lại có tật sĩ diện. Không có tiền nhưng lại hay mượn nợ để đi ăn nhậu, mua quần áo chưng diện, thậm chí là bao bạn bè. Nhưng bây giờ đã cưới, chị chẳng còn cách nào ngoài chuyện khuyên nhủ để anh ta thay đổi.
Chị đi làm, đồng lương cũng chẳng được bao nhiêu. Ấy vậy mà còn phải nuôi chồng, phục vụ cho những thú chơi phù phiếm của chồng. Chị biết ba mẹ chồng của mình cũng bất lực trước đứa con có lớn mà chẳng có khôn của mình. Từ nhỏ đã cưng chiều hết mực nên anh ta sinh tật ỷ lại, đổ đốn như thế. Có vợ rồi, anh ta vẫn qua khóc lóc xin xỏ tiền cha mẹ đi chơi. Nếu chẳng được thì bày trò năn nỉ, thậm chí đập phá. Nhà chị ở rất xa nên chẳng biết hoàn cảnh gia đình chồng. Nếu biết chồng mình như thế thì chẳng bao giờ chị bước vào cuộc hôn nhân này.
Anh ta ở nhà, luôn lớn tiếng với cha mẹ, quát nạt vợ nhưng ra đường lại khúm núm như con rùa rụt cổ. Thiên hạ nói gì cũng vâng dạ, cũng cho là đúng. Lời của cha mẹ, của vợ thì lúc nào cũng bỏ ngoài tai. Có lần, trong cuộc nhậu, nghe đám bạn bất hảo xúi dại mà anh ta về đánh chị chảy cả máu mũi. Anh ta nói rằng phải dạy cho vợ để biết ngoan, biết chiều chồng. Chị nghe cay đắng và xót xa vô cùng. Chị hiểu rằng chồng mình không những nghèo mà còn rất hèn.
Chị viết đơn ly hôn sau 6 tháng làm vợ. Một cuộc hôn nhân quá chóng vánh. Ai cũng nói sao chị vội vàng như vậy. Chị trả lời rằng để làm tổn thương nhau, đau khổ cùng cực thì chỉ cần 1 tuần, 1 tháng chứ cần gì đến nửa năm như vậy. Chừng đó thời gian đủ để chị hiểu mình không thể sống chung với người đàn ông như thế này thêm ngày nào nữa.