Tuổi Trẻ đã trao đổi riêng với bác sĩ Tôn Thất Thạnh, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng).
Hai điểm dịch khác chủng
* Thưa ông, từ ca mắc cộng đồng đầu tiên ở khách sạn Phú An ngày 3-5 (BN 2982), đến nay dịch lan ra thành 4 ổ chính. Vậy đã xác định được nguồn lây từ đợt dịch lần này chưa?
- Đến ngày 13-5, các điểm dịch chính được xác định gồm khách sạn Phú An, vũ trường Phương Đông, thẩm mỹ viện Amida, Công ty Trường Minh với 102 ca. Có thể nói là "mờ dấu" F0 vì chúng tôi vẫn chưa xác định được nguồn lây trong đợt dịch lần này.
Tuy nhiên, đến nay đã có kết quả giải trình tự gen tại Đà Nẵng, tất cả 4 nhóm chủng virus nCoV đều là chủng biến thể Anh B.1.17. Từ đó cho thấy ổ dịch của Đà Nẵng và Hà Nội không liên quan tới nhau vì chủng khác nhau (chủng ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình đều là biến thể B1.167.2 thuộc biến thể của Ấn Độ - PV).
* Đã 10 ngày trôi qua, liệu việc tìm nguồn lây khởi phát ra đợt dịch này có còn nhiều ý nghĩa?
- Chúng tôi vẫn phải tiến hành truy vết nguồn lây khởi phát bằng nhiều hình thức. Ví dụ như việc xét nghiệm kháng thể một số đối tượng để xem có trường hợp làm xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 do trong người có kháng thể tồn tại trước đó.
Từ đó có thể có thêm thông tin và các mối liên hệ đến các giả thuyết nguồn lây để điều tra, phòng chống. Nếu biết được thì quá tốt để chúng ta biết được nguồn gốc hoặc sơ hở (nếu có) ở khâu nào mà phòng chống.
Có nhiều cách, nhiều biện pháp để cố tìm cho được nguồn gốc ở đâu. Chúng tôi vẫn tiến hành song song việc xét nghiệm và tìm nguồn gốc.
Tuy nhiên, đến nay có thể nói ưu tiên số 1 vẫn là truy vết F1 của những ca mới vừa được phát hiện, phải cách ly thật nhanh. Chúng tôi ưu tiên thực hiện xét nghiệm mở rộng, đẩy tốc độ thật nhanh để chặt đứt nguồn lây mỗi khi phát hiện.
4.400 trường hợp F1 và F2 ra sao?
* Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 102 ca mắc nhưng phải cách ly tới gần 4.400 trường hợp F1 và F2. Số người liên quan có quá nhiều so với đợt dịch lần trước hay không?
- Cũng tùy đối tượng. Vì đến thời điểm này các ca mắc liên quan đến nhiều nhóm. Đợt dịch lần này liên quan đến nhóm người trẻ khá nhiều. Ví dụ nhóm liên quan đến thẩm mỹ viện và vũ trường, vì mấy bạn trẻ này đi nhiều nên có nhiều F1.
Còn nhóm hơn 30 ca mắc là nhân viên trực tổng đài điện thoại Công ty Trường Minh ở Khu công nghiệp An Đồn thì ít đi; họ suốt ngày đi làm rồi về giam mình trong phòng, ít tiếp xúc nên ít người F1.
Cũng là người trẻ nhưng chúng tôi điều tra truy vết thấy nhiều đặc điểm. Đợt này có ca chỉ có 1-2 F1, còn có ca như giám đốc thẩm mỹ viện Amida thì đi lại nhiều nên đông người F1 phải cách ly.
* Có sự thay đổi nào trong chiến lược chống dịch lần này so với hồi tháng 8-2020 hay không, thưa ông?
- Cũng không có quá nhiều thay đổi. Tuy nhiên qua kinh nghiệm từ lần trước, lần này chúng ta làm theo hướng "phong tỏa hẹp - xét nghiệm rộng". Đây là chiến lược chúng tôi rút kinh nghiệm và áp dụng vào giai đoạn cuối đợt dịch bùng phát lần trước.
Lần này chúng ta hạn chế tối đa việc phong tỏa "ngăn sông cấm chợ" để bớt ảnh hưởng đến kinh tế. Năm qua người dân thành phố cũng gặp quá nhiều khó khăn, bây giờ chúng ta triển khai chống dịch quyết liệt nhưng dùng các biện pháp thật hợp lý để hiệu quả tối ưu.
Cụ thể như khoanh vùng hẹp, cách ly hẹp nhưng xét nghiệm phải làm mạnh với tinh thần chủ động tấn công, chủ động mở rộng đối tượng xét nghiệm, vùng xét nghiệm khi thấy có nguy cơ và cần thiết.
* Qua đợt dịch lần trước, năng lực xét nghiệm ở Đà Nẵng đã nâng lên đáng kể. Chúng ta có cần phải thực hiện xét nghiệm gộp để đẩy nhanh tiến độ?
- Đà Nẵng hiện đã có 9 cơ sở y tế xét nghiệm phát hiện COVID-19 được cấp phép bao gồm cả công ty. Riêng CDC Đà Nẵng có thể tiếp nhận từ 2.000 đến 2.500 mẫu/ngày. Nhưng nếu thực hiện xét nghiệm gộp 10 mẫu thì chúng tôi có thể làm xét nghiệm cho 25.000 người.
Việc xét nghiệm gộp là câu chuyện chuyên môn mà chúng tôi sẽ áp dụng để vừa tiết kiệm sinh phẩm và đẩy nhanh tiến độ. Chúng tôi đều tính đến tính hiệu quả, hợp lý nhất để chống dịch trong mỗi giai đoạn, đối tượng.
Ví dụ với trường hợp F1 phải làm mẫu lẻ để đảm bảo tính chính xác cao, xử lý ngay. Với người có ít nguy cơ hoặc đối tượng sàng lọc thì có thể làm xét nghiệm gộp.
Tạm yên tâm với "ổ dịch" ở KCN An Đồn
Sáng 13-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho hay 7.070 mẫu xét nghiệm được lấy ở Khu công nghiệp An Đồn đều đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Rạng sáng 11 và sáng 12-5, ngành y tế Đà Nẵng đã cấp tốc tổ chức lấy mẫu cho hơn 660 người dân sống gần khu công nghiệp và người lao động tại đây (sau khi có ca mắc liên quan tới hơn 30 người làm chung tại Công ty CP Trường Minh chi nhánh Đà Nẵng).
Số ca mắc này được phát hiện sau khi bệnh nhân N.T.N. (nữ, 25 tuổi, ở trọ tại đường Nguyễn Khắc Cần, phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà) đi khám bệnh và có kết quả dương tính.