Trưa 25-7, Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) cho biết đã triển khai thành công chạy thận nhân tạo, cấp cứu kịp thời bé gái L.T.N. (9 tuổi, ngụ Bạc Liêu) bị suy thận mãn lúc 6 tuổi. Bệnh nhi bị khiếm thính từ lúc vừa chào đời và còn mắc bệnh động kinh từ lúc 3 tuổi.
Hơn một năm nay, bé N. sống cầm cự với bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối tại bệnh viện địa phương. Cơ thể mỗi ngày phù to, tiểu ít.
Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng TP, bé N. thở mệt, tăng huyết áp nặng và phù phổi. Các bác sĩ chỉ định chạy thận nhân tạo cấp cứu cho bé N. và tiến hành hội chẩn toàn viện.
Qua những lần tập huấn và kiểm định, BS CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc bệnh viện - cùng BS CKI Lê Thanh Bình - phó khoa thận nội tiết - nhanh chóng huy động êkip chạy thận sẵn sàng cấp cứu bé N..
Cùng với thời điểm mổ tách dính song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi, tại khoa thận nội tiết Bệnh viện Nhi đồng TP, các bác sĩ đã cứu sống kịp thời và ngoạn mục cho bé N. với kỹ thuật nhân tạo. Hiện chức năng thận, triệu chứng phù phổi của bé N. được cải thiện đáng kể.
Các bác sĩ cho biết bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối thường kèm theo nhiều bệnh nặng phức tạp. Các biến chứng khi chạy thận thường xuất hiện đột ngột, nặng nề, dự trù sẵn các tình huống xấu ngừng tuần hoàn xảy ra trong lọc máu để được cấp cứu kịp thời.
Nếu không điều trị kịp thời thận sẽ bị tổn thương, không thực hiện được chức năng dẫn đến tình trạng suy thận làm ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng.
Tại Việt Nam, hiện có gần 100.000 người suy thận ở giai đoạn cuối cần điều trị. Việc thay, ghép thận chi phí rất cao nên bệnh nhân chủ yếu điều trị bằng kỹ thuật lọc máu, tức chạy thận nhân tạo.