Ngày 7/7, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiến hành mổ cấp cứu lấy thai cho sản phụ Vũ Thị H.(42 tuổi), thường trú tại Chí Linh, Hải Dương, nhập viện trong tình trạng thai IVF lần 1, 36 tuần, ngôi ngược.
Kết quả siêu âm cho thấy hình ảnh rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược bám mặt bên trái tử cung, mép bánh rau bám lan qua lỗ trong cổ tử cung, vô cùng nguy hiểm đối với sản phụ và thai nhi…
Nhận thấy đây là một trường hợp cực kỳ phức tạp, đòi hỏi phải chuẩn bị đầy đủ máu và các phương tiện gây mê hồi sức thật tốt, ngoài ra phải có phẫu thuật viên bản lĩnh và dày dạn kinh nghiệm trong việc phẫu thuật xử trí những trường hợp bị rau tiền đạo cài răng lược mới có thể phẫu thuật an toàn cho sản phụ.
Kíp phẫu thuật đã mời BSCKII Trần Thị Minh Lý, PGĐ bệnh viện và BSCKII Bùi Minh Cường, PGĐ bệnh viện cùng hội chẩn và trực tiếp phẫu thuật thuật cho bệnh nhân.
Sau khi giải thích tình trạng của sản phụ Vũ Thị H.(42 tuổi) cho người nhà, kíp phẫu thuật thực hiện mổ cấp cứu mổ lấy thai ngay cho bệnh nhân.
Kíp phẫu thuật tiến hành mở bụng, gỡ dính mạc nối ra khỏi tử cung, gỡ tử cung ra khỏi thành bụng, gỡ dính phúc mạc đoạn dưới và bàng quang ra khỏi đoạn dưới tử cung để kiểm tra mức độ rau cài răng lược và sẵn sàng cắt tử cung khi cần thiết.
Sau khi gỡ dính, nhận thấy rằng rau cài răng lược đã ăn sâu lớp cơ tử cung, một phần đâm xuyên vào thành bàng quang nhận định trường hợp này không thể bảo tồn tử cung vì không bóc được rau, nếu cố tình bóc rau sản phụ sẽ bị chảy máu dữ dội không cầm được dẫn đến tử vong ngay trên bàn mổ… kíp phẫu thuật quyết định rạch ngang cơ tử cung đoạn dưới qua bánh rau đến màng ối lấy ra 1 bé trai, khóc được, phản xạ và trương lực cơ tốt, da hồng…. Ngay lập tức bé được chuyển đến khoa sơ sinh.
Kíp phẫu thuật tiến hành kẹp cắt dây chằng tròn hai bên, kẹp cắt hai phần phụ, kẹp cắt hai động mạch tử cung và tiến hành cắt tử cung hoàn toàn để lại hai phần phụ cho bệnh nhân.
Hiện tại sức khỏe của mẹ và bé ổn định, đang được chăm sóc và theo dõi đặc biệt tại Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện.
Bs Trần Thị Minh Lý cho biết, trường hợp các sản phụ bị rau cài răng luợc nếu không mổ bắt con kịp thời, cả hai mẹ con có nguy cơ tử vong cao. Nguyên nhân là do mẹ mất máu nặng còn con trong bụng nguy cơ cao chết ngạt.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, sản phụ cần thường xuyên khám thai tại các bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị sản khoa hiện đại, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ để phát hiện sớm rau tiền đạo, rau cài răng lược, có biện pháp điều trị kịp thời và tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra trong quá trình sinh sản. Để phòng tránh, các bà mẹ cần theo dõi thai định kì và hạn chế nạo phá thai với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Theo BS. Lê Thị Ánh Diệp , BV Từ Dũ, rau cài răng lược là từ chung dùng mô tả bệnh cảnh lâm sàng khi một phần hay toàn bộ bánh nhau xâm lấn và không thể tách rời khỏi thành tử cung.
Bình thường sau khi sinh, bánh rau sẽ tự tách rời khỏi thành tử cung và được sổ ra ngoài nhưng khi bị rau cài răng lược bánh nhau không thể bong khỏi tử cung và là nguyên nhân gây ra các tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu,.. thậm chí tử vong cho người mẹ.
Trên thế giới tỉ lệ rau cài răng lược ở các sản phụ thay đổi từ 1:2510 vào năm 1980 tăng lên đến 1:533 vào năm 2002 (Hiệp hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ 2012).
Đáng ngại là, rau cài răng lược là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mất máu cấp, nặng cho sản phụ trong quá trình trước, trong và sau sinh. Khoảng 90% sản phụ rau cài răng lược phải truyền máu, trong đó >40% truyền hơn 10 đơn vị máu.
Các chuyên gia sản phụ khoa cũng nhận thấy những sản phụ bị rau cài răng lược có thể sẽ phải chấm dứt thai kỳ sớm nếu có biến chứng xảy ra (để bảo vệ tính mạng mẹ) trong khi thai vẫn còn non tháng. Khi đó trẻ đối diện với các nguy cơ suy hô hấp, vàng da, nhiễm trùng, khó nuôi, thậm chí tử vong,...