Đưa nước mắm ra thế giới
Ông Cường Phạm hóm hỉnh thổ lộ, nếu không hiện thực hóa ước mơ làm bạn với dân biển Phú Quốc, với những mẻ cá lấp lánh nắng sớm hay mùi muối say nồng thì có lẽ người ta chỉ biết đến một cựu kỹ sư công nghệ thông tin từng có 16 năm gắn bó với hãng Apple.
Di dân sang Mỹ từ thời điểm 1979, ông cưới vợ và sinh được 3 người con tại đây. Gia đình ông cũng dần học quen với lối sống Mỹ, tư duy Mỹ.
Thế nhưng, chỉ duy nhất một điều khiến ông đau đáu, đó là mỹ vị tuyệt vời của những chén nước mắm đượm mùi biển, thơm mùi cá cơm và dư vị đậm đà ẩn sau vị mặn của muối tinh – điều mà những loại nước mắm thương mại tại đây không thể đáp ứng.
Năm 2009, mẻ nước mắm nhĩ đầu tiên được chắt lọc từ đất trời Phú Quốc cập bến nước Mỹ, dưới tên thương hiệu Red Boat và biểu tượng cánh buồm đỏ thắm.
Chỉ vài năm sau, ông Cường Phạm – người làm ra những giọt tinh túy ấy, bất ngờ xuất hiện trong những bài viết ca ngợi mà tạp chí Economist (Anh) bình chọn là "nước mắm ngon nhất thế giới".
Ông đã mạnh dạn về Việt Nam tìm lại phương thức ủ chượp truyền thống nơi vùng biển Phú Quốc, bắt tay tạo nên thương hiệu riêng. Khởi sự từ một nhà thùng với 16 thùng ủ chượp năm 2006, ông Cường từng rớt nước mắt nhiều lần khi lần lượt từng mẻ thành phẩm ban đầu trở thành phế phẩm. Quy trình làm nước mắm tưởng đơn giản, thế nhưng không nhiều nhà thùng còn lưu giữ tại Phú Quốc.
Từ những mẻ cá cơm than chắc mập vừa được vớt lên tươi rói ở vùng vịnh Thái Lan, được ướp ngay với mẻ muối trắng tinh, mặn mà từ vùng Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) với tỉ lệ muối 30 – 35% trên trọng lượng, sẽ cho ra thành phẩm với độ đạm cao.
Để đảo bảo được nguồn nguyên liệu tuyệt vời, sản lượng phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ thiên nhiên và ông tự thuê nhân công đánh bắt, không mua nguyên liệu ngoài.
Những mẻ cá được ủ chượp nghiêm ngặt trong 12 tháng sẽ tạo ra những giọt nước mắm màu cánh gián đặc trưng. Nước mắm truyền thống rất mặn nhưng hậu vị đi sau lại là vị đạm thơm lừng.
“Đây là những giọt nước mắm tinh túy đầu tiên sau quá trình ỷ chượp hay còn gọi là nước mắm nhĩ. Nếu thành phần đạm axit amin từ 60% trở lên (chiếm tỷ trọng lớn trong tổng độ đạm) thì hương vị nước mắm mới chuẩn”, ông nói.
Từng mẻ nước mắm sau khi ủ chượp và chiết chai sẽ đến tay các đầu mối tại các chợ Á Đông để bán cho người Việt, Campuchia, Thái Lan… đến các đầu mối trong cửa hàng cao cấp và bán cho nhà hàng tại Mỹ, Anh, Pháp, Úc, HongKong, Singapore, Canada với mức giá tùy loại, tùy địa điểm bán.
Hiện tại, website của Red Boat đăng bán một chai 500ml, độ đạm 40 là 10 USD hay chai 2 lít, cùng độ đạm là 32 USD,... Ông Cường cũng tự hào chia sẻ, Red Boad chiếm 60% thị trường người Á Đông và 30% đối với thị trường phương Tây.
Phú Quốc có 70, 80 nơi làm nước mắm nhưng chỉ vài nhà thùng sản xuất và ra thương hiệu. Cũng chẳng mấy ai nghĩ đến việc biến nước mắm Phú Quốc trở thành sản phẩm thống thị tại Mỹ. Thế nhưng, ông Cường đã làm được điều này.
Đây cũng là lý do khiến nhà xưởng của ông Cường mỗi năm chỉ cho ra 3.000 – 4.000 lít nước mắm thành phẩm và không có ý định tăng vọt sản lượng để cung ứng.
Những bức thư trở lại…
“Tôi từng làm việc ở Việt Nam năm 1970 và tình cờ được thưởng thức nước mắm Phú Quốc. Quay trở lại quê hương, tôi tìm mãi nhưng không đâu có được hương vị tuyệt vời ấy. Tình cờ biết đến Red Boat, tôi đã mua và nếm thử… Quả thật đây là những giọt nước mắm tinh túy mà bấy lâu nay tôi tìm kiếm. Cám ơn ông, người đã làm ra một hương vị nước mắm đúng nghĩa…”, trích đoạn trong bức thư của một khách hàng người Mỹ gửi trả những tâm tư chân thành sau khi biết đến Red Boat.
Ông Cường kể, ông thường xuyên nhận được những bức thư như thế từ những khách hàng bên kia địa cầu. Mỹ vị đối với người Việt từng bị những “chiếc lưỡi” phương Tây chối từ bỗng trở thành giọt tinh túy trong những món ăn của đầu bếp Mỹ và khiến người phương Tây nhung nhớ.
Không chỉ ca ngợi một cách riêng tư, sản phẩm Red Boat của ông Cường cũng xuất hiện trên các bài báo quốc tế. Như nhận xét của tạp chí Saveur: “Được sản xuất theo lối truyền thống với cá cơm muối trên đảo Phú Quốc, Red Boat đã trở thành loại nước mắm được nhiều đầu bếp yêu thích trong những năm gần đây vì nguyên chất, độ đạm cao và mang lại hương vị Unami đặc biệt”.
Tờ The Economist cũng hào hứng chia sẻ: “Tôi trở nên nghiện và không thể tưởng tượng được nếu nhà bếp của tôi thiếu đi nước mắm”…
Nhà xưởng tại trung tâm thị trấn Dương Đông trên đảo Phú Quốc với 100 thùng ủ chượp của ông luôn mở cửa cho các chiến dịch tiếp thị quốc tế. Thế nhưng, khá bất ngờ khi một thương hiệu nước mắm được người Mỹ ca ngợi là “ngon nhất thế giới” lại tồn tại một cách âm thầm lặng lẽ.
Người dân địa phương có thể kể vanh vách những thương hiệu nước mắm nổi tiếng của Phú Quốc nhưng chẳng ai biết đến Red Boat. Còn người dùng, khó có thể tìm mua nước mắm Red Boat ở chợ, siêu thị hay điểm bán hàng nhỏ lẻ nào trong nước do hầu hết các sản phầm đều được xuất sang thị trường Mỹ, bắt đầu từ 2009 với khoảng 1.000 thùng.
Mỗi đợt hàng, sau khi lênh đênh trên biển từ 3, 4 tuần trời thì được bốc dỡ và chiết vào chai để cung ứng ra thị trường. Chấp nhận bỏ chi phí cao để thuê nhân công, mỗi chai nhựa và nắp cũng được ông đặt hàng từ các nhà cung cấp tại Nhật Bản, Mỹ.
“Đó cũng là bài học tuyệt vời nhất mà tôi học được từ Apple. Nếu một sản phẩm không hướng đến chất lượng và đạt đỉnh của khả năng sản xuất cá nhân thì nó sẽ ‘chết yểu’ trước khi đến tay người dùng”, ông nhấn mạnh.
“Nhiều người gọi tôi là điên, ‘đồ crazy’! Họ hỏi vì sao tôi phải làm thế, vì sao phải tạo ra một loại nước mắm của riêng mình? Họ không hiểu được giá trị để một sản phẩm tồn tại.
Apple thành công vì người đứng đầu nhìn thấy được người dùng thích gì và họ cần gì. Họ nhìn được tương lai, thế giới sẽ cầm trên tay chiếc smartphone cũng là đứa con tinh thần của họ. Thế nên họ nỗ lực, 1 năm không được thì 10 năm. Chỉ có chất lượng và lợi ích của người dùng khi dùng sản phẩm đó là điều duy nhất tồn tại”, ông Cường chia sẻ.
Giao hẳn khâu ra thành phẩm cho người con trai tại Mỹ, ông Cường lại tất bật cùng với những cộng sự ở Việt Nam ướp những mẻ cá cơm liền tay. Dù đã 60 tuổi, nhưng ông trông vẫn trẻ khỏe hệt như một người ngư dân đã 12 năm ướp vị mặn của biển.
Xã hội càng hiện đại và phát triển, việc theo đuổi những ngành kinh doanh truyền thống càng trở nên thử thách khó khăn. Và tất nhiên, không nhiều người muốn làm một sản phẩm được cộng đồng quốc tế ca ngợi bởi sự gian nan gấp bội trong mọi quy trình.
Thế nhưng với một người di dân như ông Cường, bản năng theo đuổi thử thách và chinh phục có lẽ là một trong những điều tuyệt vời so với người bản địa.
Ông kể, nhân viên chính chỉ 10 người (chưa kể những người trên ghe đánh cá), tất cả phải liên kết và hiểu được tâm huyết của Red Boat. Họ chấp nhận “cùng buồn cùng vui” với nhau, sau khi từng giọt nước mắm sau 1 năm ủ chượp được chiết ra và mang theo bao nhiêu nỗi niềm của giọt mồ hôi lao động, tâm huyết của những người theo đuổi mỹ vị.
“Thế hệ trẻ sau này, dường như muốn xoay quanh những lĩnh vực thời thượng từ công nghệ cao đến phát triển du lịch... Việc kinh doanh nước mắm ngoài tôi và con trai, 2 cô con gái lại không có ý định. Tiềm năng Red Boat còn rất nhiều, nếu dừng ở đây thì rất phí. 60 tuổi nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục”, ông Cường khẳng định.