Trong căn nhà thuê "phòng thờ" cũng là "phòng khách", nghệ sĩ Bạch Long đã bồi hồi nhớ lại tuổi thơ chỉ gọi cha mẹ ruột là anh chị, con đường bén duyên với nghệ thuật và cuộc sống đơn chiếc hiện tại.
Nghệ sĩ Bạch Long được khán giả biết đến với lối diễn hài dí dỏm mà duyên dáng, khuôn mặt phúc hậu và nụ cười không bao giờ tắt. Nam nghệ sĩ là cựu thành viên nhóm Líu Lo gắn liền với tuổi thơ của hàng triệu người Việt. Những câu chuyện Ngày Xửa Ngày Xưa trên sân kịch Idecaf là hồi ức tuổi thơ đẹp nhất của thế hệ 9X-10X. Nhưng đằng sau hào quang trên sân khấu, ít ai có thể ngờ được cuộc đời vất vả của Bạch Long từ lúc còn niên thiếu đến tận bây giờ.
Nhìn thấy tấm ảnh "con nít" chụp cùng nghệ sĩ Bạch Long, ai cũng bàng hoàng khi tưởng nam nghệ sĩ có con riêng mà giấu. Sự thật đó chỉ là tấm ảnh ghép và "cậu bé" đó chính là Nguyễn Thành Tùng (tên thật của nghệ sĩ Bạch Long). Đến đây, anh trai Thành Lộc mới tiết lộ về nghệ danh của mình: "Có người coi hát gợi ý, tôi hát hay nhưng tên không hay. Nên từ hâm mộ Lý Tiểu Long, tôi lấy chữ Long rồi lấy theo tên lót của chị em trong nhà như Bạch Lê, Bạch Lựu để có Bạch Long như bây giờ".
Bạch Long khoe tấm ảnh ghép. Đứa bé trên tay Bạch Long thời trẻ cũng chính là anh thuở bé được ghép khéo léo. |
Từ bé, Bạch Long khó nuôi nên ba mẹ gửi anh qua đoàn hát. Anh không biết ba mẹ là ai nên cứ hồn nhiên gọi cố NSND Thành Tôn và Huỳnh Mai là "anh, chị". Sau này, Bạch Long mới biết ba mẹ, anh chị em mình là ai. Khi biết mình và NSƯT Thành Lộc có quan hệ máu mủ ruột thịt, anh càng thương em trai hơn. Học chung trường, Bạch Long tuyên bố: “Ai đụng đến Lộc là tôi xử ngay".
Bắt đầu từ thời điểm đó, Bạch Long được ba “đặc cách” cho đi hát từ nhỏ. Tại chương trình, nam nghệ sĩ đắm chìm vào ký ức về những vai diễn thuở nhỏ. Anh khoe những kỷ vật đã gắn bó hơn 50 năm từ ngày đầu đặt chân lên sân khấu, từ "ngựa", giáo đến chiếc yếm nhỏ. Nam nghệ sĩ còn nhiệt tình diễn những trích đoạn tuổi thơ, kể những câu chuyện dở khóc dở cười gặp trên sân khấu khiến mọi người cười nghiêng ngã.
Bạch Long vào nghề với vai trò là một nghệ sĩ cải lương nối nghiệp gia tộc. Ngoài ca diễn, anh dồn tâm huyết thành lập đoàn Đồng ấu Bạch Long với mục tiêu đào tạo thế hệ kế thừa.
Cho đến tận bây giờ, khán giả vẫn biết đến Bạch Long với lối hài vần rất đặc trưng. Đây là kết quả của quá trình quan sát và tìm ra nét đặc biệt của bản thân nam nghệ sĩ. "Ngày xưa mấy đàn cha, đàn chú thường tìm cho mình những nét đặc trưng riêng. Ví dụ chú Phi Thoàn là hề ca nhạc, chú Văn Chung là hề té, ông Thanh Việt là hề râu. Muốn làm khán giả cười mình phải có một nét riêng, nên tôi đã tự tìm tòi và sáng chế lối đi riêng cho mình là hề vần. Thấy mỗi lần diễn khán giả cười quá trời cười nên tôi cứ làm tới".
Nếu cậu em Thành Lộc chiếm lĩnh vị trí hàng đầu sân khấu kịch nói, Bạch Long lại nhiều lận đận với nghề. Có giai đoạn anh thất nghiệp suốt 4 năm, phải sống nhờ sự giúp đỡ của học trò, đồng nghiệp. Vì thương anh, Thành Lộc nhiều lần gợi ý giúp đỡ, đưa về chung sống cùng nhưng Bạch Long từ chối. Nghệ sĩ chia sẻ vì lòng tự trọng riêng của bản thân nên không muốn là gánh nặng của em trai.
Từ thập niên 2000, Bạch Long chính thức chuyển sang lĩnh vực kịch nói. Anh về chung sân khấu Idecaf với em ruột và gắn bó với các vở chính kịch, hài kịch, kịch thiếu nhi suốt nhiều năm qua. Bạch Long cũng tiếp nối con đường sư phạm khi công tác giảng dạy tại trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.
Từng có một thời tuổi trẻ đào hoa nhưng ở tuổi 62, Bạch Long sống cô độc. Nam nghệ sĩ thuê căn trọ nhỏ ở một mình suốt gần 20 năm qua. Bạch Long tâm sự anh lựa chọn sống an phận với cuộc sống không nhà cửa, vợ con. Dẫu tủi thân và tiếc nuối quá khứ, anh tự an ủi và động viên phải sống tốt những tháng ngày còn lại. Nam nghệ sĩ chỉ mong ơn trên cho một giấc ngủ rồi ra đi vì rất sợ cảnh bị bệnh tật hành hạ như nhiều đồng nghiệp.