Thế nhưng, đằng sau nụ cười và những câu bông đùa ấy là cả một cuộc đời cơ cực không có lấy một ngày vui…
Truân chuyên thời con gái
Cụ bà trong đoạn clip tên thật là Nguyễn Thị Kim Anh (84 tuổi). Người dân sinh sống ở khu vực phố Tây Bùi Viện, quận 1 (TP.HCM) đã quá quen thuộc với hình ảnh cụ già chống gậy, lưng còng đi mời khách mua từng tờ vé số. Hơn 55 năm qua, những con hẻm nơi đây đều in dấu chân bà. Địa điểm quen thuộc nhất với bà là hẻm 241 Phạm Ngũ Lão, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.
Bà Kim Anh kể lại, ngày xưa mẹ bà làm trong một cơ quan của Pháp đặt tại Sài Gòn. Chính vì thế, từ nhỏ bà đã được theo học trường công và bắt đầu học tiếng Pháp từ những năm lớp 1, lớp 2. Lớn lên, bà học thêm tiếng Anh và làm việc ở một siêu thị của quân đội Mỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất.
"Hồi đó tôi đi học tiếng Anh ở trường Tôn Thọ Tường (nay là trường THPT Ernst Thälmann). Lúc đó, vì không giỏi nói tiếng Anh, nên mấy thầy cô trong trường thường hay bóp mũi để tôi có thể phát âm cho chuẩn như họ. Học được 1 tháng, sợ quá nên tôi nghỉ luôn".
"Sau khi nghỉ học tại trường, tôi xin đi làm ở siêu thị bán đồ cho Tây ở trong sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc đó toàn bán cho người Tây, nói tiếng Anh dần rồi thành quen. Giờ già lớn rồi nên cũng cái nhớ cái quên", bà chia sẻ với PV Thế Giới Trẻ.
Ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975), toàn bộ nhân viên cơ quan bà lên máy bay rời Sài Gòn. Gia đình nhà chủ cũng ngỏ ý muốn bà cùng đi theo nhưng nghĩ còn mẹ già, con nhỏ, bà quyết định ở lại.
Cơ cực tuổi về già
Bà Kim Anh có một con trai hơn 60 tuổi và người cháu nội. Con trai bà hay đau yếu, không đủ sức khỏe, tiền bạc để nuôi mẹ già. Cháu trai bà không may bị tâm thần vì tai nạn giao thông. Bà sống một mình trong con hẻm nhỏ và tự kiếm sống nuôi thân. Ngày ngày, cầm xấp vé số trên tay, bà còng lưng chống gậy đi bán.
Rưng rưng nước mắt, bà nghẹn ngào: "Mấy tháng trước, tôi đi bán ở trên đường Bùi Viện này thì có cậu thanh niên kia chạy qua giật đi mất cái túi của tôi. Mất hết vé số, tiền bạc, cả giấy tờ tùy thân. Hết vốn, nên giờ tôi phải mượn vé số đại lý để mà đi bán".
Người dân sống trong con hẻm nhỏ 241 Phạm Ngũ Lão cho biết, ngày nào cũng thấy bà đến đây bán vé số từ 12 giờ trưa đến 16 giờ chiều. Mọi người, kể cả nhiều khách Tây đi qua đều thích thú và nể phục trước khả năng nói tiếng Anh trôi chảy của bà.
Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng bà Kim Anh vẫn phải bộn bề mưu sinh. Những câu bông đùa, chào mời khách qua đường như khỏa lấp phần nào cảnh đời cơ cực của người mẹ, người bà một đời vất vả.