BS Nguyễn Văn Sơn, Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết, cụ Hoàng Thị Đ., 101 tuổi, trú tại huyện Lâm Thao được chẩn đoán bị sốc tim, nhồi máu cơ tim cấp trên nên bệnh đái tháo đường và có biến chứng block nhĩ thất cấp 3.
Khi vào viện, huyết áp của bệnh nhân chỉ còn 70/40mmHg, mạch chậm 35 lần/phút, khó thở nhiều.
Sau khi xem xét và hội chẩn, các bác sĩ xác định trường hợp này cần được chụp và can thiệp động mạch vành càng sớm càng tốt vì người bệnh đã có sốc tim, block nhĩ thất cấp, cao tuổi, càng trì hoãn thì nguy cơ tử vong càng lớn.
Con cháu cụ Đ. nghe vậy vô cùng hoang mang và lo lắng vì sợ cụ tuổi cao khó qua khỏi, định chuyển cụ xuống Hà Nội điều trị. Tuy nhiên sau khi được giải thích, gia đình đã đồng ý điều trị tại bệnh viện tỉnh.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển lên phòng can thiệp, xử trí đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để duy trì nhịp tim ổn định và can thiệp đặt 1 stent động mạch vành.
Sau 3 ngày điều trị, cụ Đ. đã hoàn toàn hồi phục và được xuất viện, đi lại bình thường. Sau 15 ngày, cụ quay lại tái khám và các kết quả đều rất tốt.
BS Sơn cho biết, cụ Đ. là trường hợp người bệnh cao tuổi nhất bị nhồi máu cơ tim được cứu sống tại Việt Nam.
Theo BS Sơn, nhồi máu cơ tim là trường hợp động mạch vành bị tắc nghẽn. Để khơi thông, bác sĩ sẽ gây tê vị trí động mạch quay ở cổ tay sau đó đưa các dụng cụ vào động mạch vành ở buồng tim, sử dụng các dụng cụ để thông vị trí tắc, sau đó đặt 1 khung giá đỡ bằng kim loại hay còn gọi là stent để giữ lòng mạch bình thường trở lại, giúp máu lưu thông qua động mạch vành xuống nuôi tim trở lại bình thường.