Tối 13/8, anh Hà Văn Tú (ở Hòa Bình) nhận được thông báo có tên trong danh sách ra viện vào sáng hôm sau, kết thúc nửa tháng cách ly phòng Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Trước đó, hôm 29/7, anh cùng hơn 200 người khác từ Guinea Xích đạo về Việt Nam an toàn.
Anh Tú bắt đầu sang Guinea Xích đạo làm công nhân hàn theo diện xuất khẩu lao động từ tháng 5/2019. Các lao động Việt Nam ở Guinea Xích đạo được xếp ở cùng khu và chỉ khi ra công trường, họ mới tiếp xúc với nhiều lao động bản địa hoặc đến từ nước khác. Họ thường bắt đầu công việc lúc 7h và kết thúc lúc 16h. Chủ thầu lo cơm ăn trong ngày và trợ cấp khoảng 1,5 triệu đồng tiền tiêu vặt mỗi ngày cho các công nhân.
"Người nào hút thuốc thì xem như khoản ấy hết. Tiền lương được trả tùy theo các chủ thầu. Không ít người ba tháng chưa nhận được một đồng", anh Tú cho hay.
Theo anh Tú, những người sang Guinea Xích đạo phần lớn là lao động nghèo, đã quá tuổi, vì muốn giúp đỡ gia đình nên chấp nhận sang đây. "Nếu còn trẻ, khỏe và có tiền, chúng tôi đã sang Nhật Bản hoặc Hàn Quốc", anh Tú nói.
Khi anh Tú sang Guinea Xích đạo được vài tháng, Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh tại đây. Anh hàng ngày theo dõi tin tức về dịch bệnh và liên lạc thường xuyên về gia đình ở Việt Nam để nắm tình hình. Sợ bị bệnh, Tú cùng nhiều người khác yêu cầu được nghỉ làm nhưng chủ thầu người Ukraine không đồng ý.
"Họ dọa bỏ đói nếu yêu cầu nghỉ việc", anh Tú nói.
Không có sự lựa chọn, anh Tú hàng ngày vẫn đội mũ bảo hộ ra công trường làm việc. Mua được ít khẩu trang, những công nhân Việt Nam bảo nhau tự lo cho bản thân mình.
"Bên đấy người dân thực sự thờ ơ với dịch, khi thấy người Việt đeo khẩu trang, họ bảo đeo làm gì", Tú kể.
Nhưng khẩu trang hay bảo hộ đến mấy cũng không đủ sức chống lại Covid-19, nhất là khi người bản địa xem nhẹ ý thức phòng dịch. Bản thân Tú cũng từng bị sốt, nôn khan và người đau nhức. Trong một đợt xét nghiệm, Tú dương tính với nCoV và được đưa đi cách ly.
Trong khu cách ly ở Guinea Xích đạo, Tú được cho vào một phòng, không được cấp thuốc điều trị và phải nhờ đồng nghiệp mua thuốc từ ngoài mang vào uống. Thấy cơ thể khỏe lại, Tú tiếp tục phải đi làm mà không biết khi nào thì nhiễm lại.
Đến Guinea Xích đạo tìm cơ hội việc làm từ tháng 12/2018, anh Nguyễn Nguyên Hùng (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết những năm đầu công việc diễn ra khá thuận lợi. Nhưng khi Covid-19 xuất hiện, mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ.
Theo anh Hùng, mọi chuyện bắt đầu khoảng cuối tháng 5, lúc Covid-19 bùng phát mạnh. Một số công nhân người Việt bắt đầu ho sốt, lúc đầu mọi người cũng nghi ngờ nhiễm nCoV nhưng phải một tháng sau khi số lượng người ốm tăng lên, họ mới được đưa đi kiểm tra.
"Chúng tôi phải kêu nhiều lắm chủ thầu mới chịu mời y tế đến. Tôi nhớ đợt kiểm tra đầu tiên diễn ra vào ngày 20/6 nhưng chỉ với số ít người. Bốn ngày sau, khoảng 20 người nhận kết quả dương tính nCoV", anh Hùng nói.
Khi biết tin nhiều công nhân Việt Nam mắc Covid-19, anh Hùng cùng đồng hương yêu cầu chủ thầu bằng mọi giá phải cho tất cả đi xét nghiệm. "Trong lúc chờ kết quả, chúng tôi vẫn phải ra công trường làm việc. Thậm chí nhiều người xét nghiệm dương tính trước đó vẫn bị chủ thầu yêu cầu đi làm chung với người âm tính vì thấy họ còn khỏe. Lúc đấy thật sự đáng sợ, chỉ mong sớm được hồi hương", anh Hùng nhớ lại.
Sau những lo lắng, tối 27/7, anh Tú, anh Hùng và nhiều công dân Việt Nam khác được thông báo có chuyến bay về Việt Nam vào ngày 28/7. Lúc nhận tin, họ nhanh chóng gói ghém đồ đạc để hôm sau ra sân bay. Ở sân bay mọi người đều hướng mắt lên bầu trời, chờ đợi vài tiếng mà không dám đi vệ sinh.
"Lúc máy bay đến, ai nấy đều có cảm giác vỡ òa", anh Hùng chia sẻ.
Sáng 14/8, nửa tháng sau khi về nước, 181 người hết hạn cách ly và được trở về nhà; một vài người dương tính và sốt rét vẫn phải ở lại bệnh viện để theo dõi sức khỏe. Tú tâm sự điều đầu tiên anh làm khi về là ôm đứa con mới 3 tuổi của mình, sau đấy tiếp tục cách ly tại nhà đủ 14 ngày.
"Tôi về sẽ cách ly ở nhà, còn vợ con sẽ về tạm nhà ngoại ở hai tuần", anh Tú cho hay.
Ngồi lặng lẽ ngoài hành khu cách ly Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, anh Lê Thanh Thảo (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) chờ đợi được về với người thân. Biết tin được trở về Việt Nam, anh Thảo không kịp chuẩn bị gì, trong người thậm chí không có tiền.
"Về đợt này chắc tôi sẽ không đi nữa, vì thấy khó khăn quá", anh Thảo nói.