"Sáng đi làm bố còn vui cười chào mọi người"
Đêm 30 rạng sáng 31/7, lực lượng chức năng đã phong toả hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ sập giàn cẩu kính trên phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội khiến 4 người rơi xuống đất tử vong.
Lực lượng chức năng phong toả hiện trường vụ sập cẩu giàn kính.
Vụ sập giàn cẩu khi công nhân đang thi công lắp kính đã khiến 4 người vĩnh viễn ra đi. Tiếng khóc ai oán gọi tên người thân khiến bầu không khí càng thêm bi thương, đau đớn. Nhiều người thân cho biết, các nạn nhân tử vong đều quê ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.
Khoảng nửa tháng gần đây, những người này nhận công việc thu dọn kính, nền nhà cho công trình tại số 16 phố Nguyễn Công Trứ. Công việc hàng ngày kéo dài từ sáng đến khoảng 17h chiều cùng ngày. Ngày 30/7, những công nhân này ở lại làm tăng ca thì bất ngờ xảy ra sự việc đau lòng trên.
"Tất cả người gặp nạn tử vong đều quê ở Chương Mỹ và có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trong đó, có 2 người đàn ông sống cùng thôn tại xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, 1 người phụ nữ ở thôn khác. Người phụ nữ tử vong cũng có con trai đi làm cùng và con bà này hiện đang bị thương nặng. Sau khi kết thúc ca chiều, một số người về quê còn một số ở lại làm tăng ca thì xảy ra sự việc đau lòng", người thân một gia đình chia sẻ.
Ngồi thất thần bên hành lang nhà tang lễ, chị Nguyễn Thị Phương (SN 1986, quê xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) chỉ biết khóc. Ngay sau khi nhận được tin bố mình là ông Nguyễn Thế Bồng (SN 1961) gặp nạn, chị đã tức tốc chạy đến hiện trường rồi sau đó nhận tin dữ. Trước đó khoảng 17h, mẹ chị Phương đã về nhà để thu dọn nhà cửa, chuẩn bị cơm nước, còn ông Bồng ở lại làm tăng ca cùng vài người khác.
Khoảng 19h55, chị Phương nhận được tin từ người hàng xóm báo: "Mày đã biết gì chưa, bố mày bị tai nạn lao động trên Hà Nội đấy". Nghe tin, chị Phương vội chạy đi tìm mẹ hỏi xem công việc của bố thế nào. Cả gia đình gọi điện lên chỗ ông Bồng làm việc thì nhận tin dữ ông đã tử vong.
“Nghe tin xong mà tôi rụng rời chân tay, không dám tin vào sự thật. Sáng nay, bố đi làm còn vui cười chào mọi người mà nay đã mỗi người một nơi, đau đớn quá...", chị Phương gào khóc.
Chết trong đói khổ
Chị Phương kể, bố mẹ chị sinh được 4 người con. Trong đó, chị là con gái đầu, người em trai thứ 2 không may bị liệt nửa người cuộc sống hàng ngày phải có người chăm sóc còn em trai út hiện đang học cấp 3. Mấy chục năm qua, vợ chồng ông Bồng tần tảo, làm đủ nghề để nuôi các con ăn học, trưởng thành.
"Sống cả đời người, chưa một ngày bố tôi được nông nhàn, ngơi nghỉ chân tay, ở quê hễ ai mướn việc gì ông đều đi làm. Đến lúc chết có thể ông cũng chết đói, chết khát vì làm tăng ca cũng chưa được ăn gì. Ngày trước, nếu hôm nào làm tăng ca, đến 9h đêm bố tôi mới về ăn cơm cùng gia đình", chị nghẹn ngào nói.
Tiếp lời chị Phương, một người thân đau xót nói: "Khổ! mấy chục năm nay chú Bồng làm lụng vất vả. Đến lúc chết cũng khổ, chết trong cảnh đói, khát...".
Đến khuya, tại nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn, rất đông người thân của các nạn nhân cũng như bà con hàng xóm nghe tin dữ đã đến gửi lời chia buồn với gia đình các nạn nhân và tiến hành lo các thủ tục để đưa về làm lễ chôn cất.
Sau khi làm xong thủ tục pháp lý, họ sẽ đưa những người đã mất về làm thủ tục mai táng.