Chia tay một cuộc tình - chuyện bình thường trên đời, chỉ vì cô dâu là con của đại gia mà tôi thành ra bẽ bàng, đáng thương trong mắt nhiều người. Thông cảm có, ác ý có, hoặc đơn giản là đưa chuyện, tin về cuộc sống vợ chồng anh cứ bay đến tai tôi; rằng chuyên ngành ô tô như anh, tay nghề giỏi cỡ nào mà không phải đại gia thì suốt đời chỉ làm công cho thiên hạ. Chứ gì nữa, ai dám giao chiếc xe trị giá cả tỷ đồng cho một kỹ sư quèn không tên tuổi. Cứ cho là may mắn được chủ xe tin tưởng, tiền đâu thuê mặt bằng đủ chỗ cho cùng lúc vài ba chiếc xe hơi, nhất là có những chiếc phải nằm dài ngày để đợi một bộ phận nào đó gửi mua tận bên kia đại dương…
Sau đám cưới, anh nghiễm nhiên thành ông chủ. Gia thế bên vợ giúp xưởng của anh luôn nhộn nhịp. Thỉnh thoảng, thấy anh xuất hiện lịch lãm trên ti vi, trong một chương trình truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Người dẫn chương trình hỏi câu quen thuộc: phía sau thành công của người đàn ông là bóng dáng người phụ nữ, anh mỉm cười trả lời, không phải phía sau mà vợ anh luôn là người bạn đồng hành.
Em gái tôi bĩu môi trước khi tắt phụt ti vi. Mẹ tôi ấn vai tôi xuống ghế, mở lại ti vi, bắt tôi ngồi xem trọn chương trình. Mẹ nói, cuộc đời trêu ngươi lắm, biết đâu có lúc tôi gặp vợ chồng anh, mẹ không muốn tôi phải né tránh hoặc lúng túng trong cuộc đụng độ đó. Nhìn và nghe vợ chồng anh trên ti vi là cách tập dợt cho tôi sau này.
Rồi tôi cũng đã có thể bình thản tham gia những cuộc trò chuyện mà lan man thế nào cũng sẽ nhắc đến anh. Có người sửa xe ở xưởng của anh, mời cậu thợ uống ly cà phê, nghe được chuyện chỉ trong nhà mới biết. Nhìn ông chủ xưởng oai phong vậy, nhưng khách muốn giảm giá thì phải gặp cô vợ mới được. Ờ, giao cho đàn bà trông coi chuyện tiền bạc là đúng rồi, nhưng có lần gặp khách quen, ông chủ tự quyết giá cả, bị cô vợ “sạc” xối xả.
Anh em thợ hỏi nhau, sao ông chủ không bỏ tiền túi bù vô cho yên thân. Nhưng có đâu mà bù, cô vợ siết chặt lắm. Có lần, camera ở xưởng ghi lại được cảnh ông chủ đưa tiền cho một bà nào đó, nói là họ hàng ở quê tới nhờ giúp, cô chủ không tin, ghen tuông ầm ĩ. Nghe đâu ông chủ đòi ly hôn, cha mẹ vợ tuyên bố, con cái trong nhà thì tạo điều kiện cho làm ăn, còn nếu tính chuyện làm người dưng thì tiền thuê xưởng mỗi tháng nhân với 3 năm ở rể, trả đủ rồi muốn đi đâu thì đi…
Hèn chi dạo này không thấy anh lên ti vi truyền cảm hứng nữa. Em gái tôi hả dạ lắm, còn mẹ tôi thì thở dài, đừng có dại nghe con, tình cũ không rủ cũng tới, đừng có xót xa rồi lạc lòng. Mẹ không biết, nỗi buồn trong tôi vẫn còn đó, nhưng tôi không mong hồi sinh một tình yêu khiến mình tổn thương. Tôi thầm cảm ơn số phận, chứ nếu đến khi làm vợ, tôi mới nhận ra con người thật của anh thì khổ biết chừng nào.
Nghe chuyện của anh, tôi cứ thắc mắc sao cô vợ xử sự như vậy. Ngày đó, cô thừa biết anh đã có người yêu, nhưng vẫn sử dụng lợi thế giàu có để lôi kéo anh; sao giờ lại dùng tiền bạc để làm nhục chồng. Có lẽ vì cô ấy từng hy vọng một điều khác, nhưng rồi nhận ra chỉ có tiền mới khiến chồng biết đau, còn bản thân cô cũng chỉ như chiếc xe đắt tiền trong xưởng mà thôi.
Có thể có tình yêu đến sau hôn nhân không? Kẻ bảo có, người nói không, chỉ là thói quen thôi. Nhưng sống với nhau chỉ vì thói quen thì có cảm xúc không? Có, cảm xúc của sự sở hữu. Mà bản chất của tình yêu là vì người mình yêu còn sự sở hữu, vì chính mình. Khác biệt lắm mà lại rất dễ nhầm lẫn. Tôi không muốn rơi vào bi kịch, nhất là điều tiếng về vợ chồng anh đã lan khỏi xưởng.
Vậy nên, thay vì làm theo lời khuyên của mẹ - thẳng thừng đối diện, tôi chọn cách né tránh, cho lành. Nói gì thì nói, thương ghét gì thì anh cũng có mặt trong ký ức đời tôi. Tôi tự nhủ, không nên thử thách trái tim mình. Chẳng phải bỗng nhiên mà những kẻ từng yêu nhau chúc nhau hạnh phúc. Giờ tôi đã hiểu, chúc người ta hạnh phúc cũng là giúp cho mình được yên ổn.
Tự chữa lành vết thương là điều không dễ dàng. Tôi muốn quá khứ ngủ yên, nhưng chẳng hiểu cố tình hay chỉ tình cờ, anh gặp tôi trong siêu thị. Tôi như lọt thỏm giữa đám đông hay là đám đông bỗng dạt ra rất xa, chỉ còn lại tôi đối diện với nỗi đau trỗi dậy từ quá khứ.
Cảm ơn mẹ đã bắt tôi xem trọn chương trình ti vi ngày nào, nên lúc này tôi có thể nhanh chóng vượt qua cơn choáng, bình tĩnh mỉm cười chào lại anh, khi anh hỏi em ổn không. “Em vẫn ổn…”, tôi kịp giữ phần còn lại của câu chào hỏi kinh điển. Tôi không muốn nghe anh kể lể. Đôi mắt anh cho tôi thấy lời hối tiếc và xin lỗi sắp bật ra. Chẳng để làm gì nữa. Tôi không chối là nỗi đau trong tôi thỉnh thoảng vẫn còn nhói, nhưng một mình anh hối tiếc được rồi.