Cô gái 20 tuổi chưa lập gia đình đến khám tại Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) với tình trạng bụng to hơn thai phụ sắp sinh. Ban đầu nghĩ là béo bụng nhưng càng ngày càng mệt mỏi, khó thở nên bệnh nhân đi khám tại Khánh Hòa. Bác sĩ xác định khối u buồng trứng kích thước lớn, yêu cầu mổ nhưng người nhà quyết định vào TP HCM điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng Khoa Phụ Ngoại Ung bướu, Bệnh viện Hùng Vương cho biết bệnh nhân được phẫu thuật ngày 13/7. Khối u to xuất phát từ buồng trứng bên trái, chiếm toàn bộ ổ bụng, dính u thành bụng, dính ruột, đẩy gan phổi lách lên trên gây chèn ép phổi và có tạo dịch trong ổ bụng.
"Do khối u quá to không thể lấy trọn một lần, kíp mổ đã lấy khoảng 11 lít phần lỏng trước khi lấy khối đặc nặng 7 kg. Đây cũng là khối u buồng trứng to nhất mà tôi từng gặp”, bác sĩ Kim Anh chia sẻ.
Hiện sức khỏe của bệnh nhân đang dần hồi phục. Do khối u có phần đặc và phần lỏng nên các bác sĩ nghi ngờ khối u ác tính, đang chờ kết quả giải phẫu bệnh. Trong trường hợp khối u ác tính, nếu muốn bảo tồn chức năng sinh sản, bệnh nhân phải tiếp tục được điều trị hóa chất.
Bác sĩ Kim Anh khuyên phụ nữ kể cả độc thân hay có gia đình đều nên đi khám phụ khoa định kỳ. Khi thấy triệu chứng bất thường như tình trạng béo bụng, bất thường tiêu tiểu, bỗng dưng sụt cân nên lập tức đi khám phụ khoa. Ung thư buồng trứng hiện chưa có phương tiện tầm soát, thông thường khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn, lượng bệnh nhân điều trị khỏi chỉ khoảng hơn 18%.
Trong tuổi sinh sản, u lành tính khoảng 80-85%, còn lại là ung thư. Nguy cơ ác tính sẽ tăng dần theo số tuổi, ở tuổi mãn kinh khoảng 28-35%. Tuổi dậy thì cao hơn, 10-50% bị u ác tính. Tuổi sinh sản thì ác tính chỉ khoảng 10% trong số u buồng trứng.