Số mệnh thay đổi tùy theo hành động
Đời vua Hán cảnh Đế có người bán dầu tên Bùi Độ nghèo khổ lang thang, được thầy tướng số cho biết sẽ chết đói vì coi tướng mặt có hai đường chỉ chạy xéo từ cằm lên mép miệng.
Ngày kia Bùi Độ gặp một thiếu nữ ngồi khóc bên giếng sâu. Hỏi ra sự tình mới biết thiếu nữ mang vàng đi để chuộc tội oan của cha, chẳng may bị đánh rơi xuống giếng. Ai cũng nói dưới giếng có con trăn to.
Thiếu nữ đang tuyệt vọng muốn quyên sinh. Bùi Độ thương tình, nghĩ mình trước sau cũng chết đói nên liều mạng leo xuống tìm được vàng cho thiếu nữ. Nhờ đó gia đình thiếu nữ được phục hồi danh dự và quyền thế.
Một lần gặp lại, nhà tướng số kia kinh ngạc nói rằng tướng chết đói của Bùi Độ đã biến mất mà thay vào đó là tướng công khanh phú quý rực rỡ! .
Đúng vậy, sau này thiếu nữ tên Ngọc Hà đền ơn, đem Bùi Độ về dạy học và giao ước vợ chồng rồi mới thưa với phụ thân. Cha nàng gửi gắm Bùi Độ sang một người bạn khác để nhờ tiến cử. Thời gian xa cách Ngọc Hà, Bùi Độ đã lạc lòng với những hình bóng giai nhân khác.
Trên bước đường tiến quan, Bùi Độ ghé vào thăm nhà tướng số cũ để tạ ơn, nhưng ông bảo Bùi Độ đã hiện lại tướng chết đói. Bùi Độ tức giận bỏ đi.
Sau khi được làm quan, Bùi Độ đánh mất nhân cách, chỉ lục lạo, cưỡng bức các cô gái đẹp, bị triều đình hạ lệnh bắt về kinh trị tội. Bùi Độ sợ hãi trốn vào rừng rồi chết đói cạnh một mỏm đá!.
Cái phước của Bùi Độ xuất hiện do tâm niệm quên mình cứu giúp người. Phước đó quá lớn đến nỗi chuyển hẳn tướng mạo và số mệnh để cho Bùi Độ trở thành quan chức vinh hiển.
Nhưng rồi, tư cách tầm thường tham dục đã phá vỡ phước cũ để cho nghiệp chết đói đủ cơ duyên xuất hiện trở lại.
Như vậy, tướng mạo tùy thuộc vào nghiệp chứ không cố định. Nếu chúng ta thường xuyên biết cảm thông chia sẻ làm nhiều điều thiện cứu giúp mọi người, ắt hẳn tướng mạo và số mệnh chúng ta sẽ thay đổi một cách tốt đẹp lắm.
12 bí quyết vàng thay đổi vận mệnh, hiểu được thì hạnh phúc an nhiên
Cổ nhân đã đúc kết ra 12 bí quyết quyết định đến vận mệnh:
“Một là mệnh, hai là vận, ba là phong thủy, bốn là tích công đức, năm là đọc sách.
Sáu là tên tuổi, bảy là tướng mạo, tám là tôn kính Thần Phật, chín là kết giao với quý nhân, mười là dưỡng sinh.
Mười một là chọn nghề và chọn bạn đời, mười hai là hướng đến những cái tốt đẹp may mắn và tránh xa hung dữ, tà ác”.
1. Mệnh
Mệnh là cố định bất biến, là đã được định trước. Về nghĩa hẹp mà nói, cái “mệnh” mà chúng ta nói chính là “bát tự” của mỗi người.
“Bát tự” là do tám can chi (vừa hay là 8 chữ – bát tự) tạo thành, là can năm và chi năm, can tháng và chi tháng, can ngày và chi ngày, can giờ và chi giờ.
Trong đó, “Can” được gọi là “Thiên can”, gồm có 10 “can”: Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ; “Chi” được gọi là “Địa chi”, có 12 “chi”, bao gồm: Tý, Sửu, Dẫn, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Như vậy, căn cứ vào ngày giờ tháng năm sinh của bạn mà tính ra “thiên can địa chi”, tổng là 8 chữ, thì có thể đoán ra hành trình cuộc đời, vinh nhục họa phúc, giàu nghèo thọ yểu của mỗi người.
Về nghĩa rộng mà nói, trong vận mệnh mỗi người, luôn có những điều mà dù chúng ta có cố gắng thay đổi thế nào đi chăng nữa cũng không thể nào xoay chuyển được, đó chính làm “mệnh”, trong Phật giáo gọi là “A lại da thức” (ālayavijñāna). Chúng chính là một kho tàng các loại hạt giống của nghiệp thiện – ác mà một người đã tạo ra trước đó, được tập hợp lại không sót một chi tiết nhỏ nào.
Khi gặp thời cơ thuận lợi, một hoặc nhiều hạt giống (tốt và xấu) sẽ được đưa ra, gieo trồng và trổ quả, kết quả là người đó được sinh ra phải hưởng những quả do những kiếp quá khứ đã làm ra, không thể trốn tránh, không thể chối bỏ.
2. Vận
Vận tức là vận thế, có thể thay đổi được.
Nếu ví “mệnh” như một chiếc xe xuất phát từ điểm bắt đầu của cuộc đời chạy đến điểm cuối cùng; xe của bạn là loại gì, con đường như thế nào, thì đó gọi là “mệnh”. Còn cụ thể là lái xe như thế nào để đi đến hết hành trình cuộc đời bạn, đó lại là “vận”.
Có người vốn có một chiếc xe tốt, con đường đi cũng rất tốt, nhưng tự mình lại được chăng hay chớ, để mặc nước cuốn trôi, lái xe không cẩn thận, kết quả là cuộc đời kết thúc không có hậu.
Có người vốn ban đầu chỉ có một chiếc xe rất xấu, đường đi thì ngoằn ngoèo chông gai, gập ghềnh khúc khuỷu, nhưng cả đời cần cù chịu khó, cẩn thận từng ly từng tý, lái xe rất chuyên tâm, kết quả cả đời mạnh khỏe bình an.
3. Phong thủy
Môi trường mà mỗi người chúng ta ở gọi là phong thủy.
Phong thủy này gồm môi trường tự nhiên mà chúng ta sống, còn bao gồm cả môi trường xã hội mà chúng ta ở. Nếu ví con người như một cái cây, phong thủy chính là môi trường mà cái cây này sinh sống, ví như thổ nhưỡng, ánh sáng, lượng nước, các sinh vật khác ở xung quanh, v.v…
Môi trường bên ngoài này dĩ nhiên là quan trọng, nhưng bản thân cái gen di truyền và nỗ lực sinh trưởng của cây cũng rất quan trọng. Do đó phong thủy là yếu tố bên ngoài, không phải yếu tố bên trong. Tất nhiên yếu tố bên ngoài và bên trong là có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
4. Tích công đức
Tích đức chính là làm việc tốt.
Cổ nhân nói, “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Cho dù là văn hóa Nho gia, hay là Phật, Đạo gia, đều đề xướng giúp người tích đức hành thiện, từ đó mà thay đổi vận mệnh.
5. Đọc sách
Đọc sách là học văn hóa, tăng thêm tri thức.
Đọc sách là một quá trình học tập suốt đời, thông qua đọc sách, chúng ta có thể thu được tri thức, kết giao bạn bè, mở rộng tầm nhìn, còn có thể nâng cao bản thân.
Đọc sách cũng là phương thức nhanh chóng và tốt nhất để học hỏi văn hóa từ xưa đến nay, thu nạp lượng tri thức rộng lớn của nhân loại, trở thành người có trí tuệ.
Đọc sách giúp bạn mở rộng tầm nhìn, không còn bị giới hạn bởi một góc nhỏ bé của cuộc sống, có thể thoải mái du ngoạn cổ kim Đông Tây, học thức rộng khắp bốn biển. Cùng với việc không ngừng đọc sách, sẽ hun đúc nên trong bạn một tấm lòng rộng mở, lý tưởng cao xa.
Đọc sách giúp bạn kết giao bạn bè, mở rộng phạm vi giao tiếp. Thông qua đọc sách, bạn có thể tìm được bạn hữu tâm đầu ý hợp, mở lòng và thư thái. Đó chẳng phải là điều tốt không gì bằng đó sao!
Do đó, từ cổ chí kim, đọc sách luôn là phương pháp quan trọng thay đổi vận mệnh của con người.
6. Tên tuổi
Cho con nghìn vàng không bằng cho con một cái tên. Một cái tên tốt, có tác dụng khích lệ đối với cuộc đời mỗi người, thậm chí còn có tác dụng dẫn dắt, chỉ dẫn.
Ví dụ trong “Thần điêu hiệp lữ”, Dương Quá sở dĩ được Quách Tĩnh đặt cho cái tên như vậy, là hy vọng anh không mắc sai lầm như cha của mình, Dương Khang; mong anh nhớ kỹ sai lầm của cha, để làm một con người đường đường chính chính. Cuối cùng, Dương Quá đã trở thành một đại hiệp vang danh muôn đời.
Bởi vậy người xưa, đặc biệt là con cái trong các gia đình danh gia vọng tộc hoặc dòng dõi Nho sinh, đối với việc đặt tên đều rất coi trọng.
7. Tướng mạo
Tướng tức là tướng mạo, bao gồm tướng mặt và tướng tay.
Xưa có câu: “Tướng do tâm sinh, tâm do cảnh tạo, cảnh tùy tâm chuyển”.
Thông qua tướng mạo bên ngoài có thể phân tích được ý nghĩ trong nội tâm của một người. Tu đức ở tâm, cát hung (lành dữ) có thể biết được. Tâm khởi thiện niệm, các loại phúc báo sẽ đến.
8. Tôn kính Thần Phật
Khổng Tử nói: “Dốc sức vì dân, để họ đạt được cảnh giới của nghĩa, kính trọng quỷ thần, nhưng luôn giữ một khoảng cách, như vậy có thể gọi là trí vậy”.
Bậc thầy chí thánh này đã dạy các đệ tử của ông: Cảnh giới Nghĩa của việc dốc sức phục vụ nhân dân là phải làm cho mọi người dân kính trọng tôn thờ quỷ thần, nhưng mình và người dân phải giữ khoảng cách nhất định với quỷ thần, như vậy mới xứng danh là bậc Trí.
Người xưa cũng nói: Bậc quân tử có ba cái sợ, sợ mệnh trời, sợ đại nhân, sợ lời của Thánh nhân.
Mệnh trời tức là quy luật vận hành của Đạo Trời, cần phải kính trọng Đạo Trời. Sợ đại nhân; đại nhân không phải là người hơn bạn, mà là người tu dưỡng đạo đức rất cao, cần phải kính sợ họ, kính sợ bậc bề trên, bậc tôn giả. Sợ lời của thánh nhân, đối với những lời nói của bậc thánh hiền phải có lòng kính sợ.
Làm được ba điều sợ này, thì con đường của bạn sẽ đi rất vững vàng.
9. Kết giao quý nhân
Kết giao quý nhân tức là chọn người thiện mà kết giao.
Người xưa có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Nếu xung quanh chúng ta đều là những người đạo đức cao thượng, thì chúng ta cũng sẽ trở nên đạo đức cao thượng. Cũng như vậy, nếu chúng ta luôn luôn kết giao với những người đạo đức thấp kém, dần dà, phẩm hạnh của chúng ta cũng trở nên xấu đi.
10. Dưỡng sinh
Dưỡng sinh là giữ thân tâm khỏe mạnh.
Dưỡng sinh không chỉ đơn giản như ngày nay thường nói “Sinh mệnh là ở vận động”, mà là: “Sinh mệnh là ở vận động và tĩnh dưỡng”, không phải chỉ có mỗi vận động mà thôi.
Đồng thời, dưỡng tâm và dưỡng thể cũng quan trọng như nhau. Hơn nữa cần sống thuận theo quy luật của tự nhiên, Mặt trời mọc thì dậy, Mặt trời lặn thì nghỉ, đồng bộ với bốn mùa của trời đất.
11. Chọn nghề và chọn bạn đời
Chọn nghề tức là công việc sự nghiệp, chọn bạn đời tức là hôn nhân cưới xin.
Nam sợ làm nhầm nghề, nữ sợ lấy nhầm chồng. Một sự nghiệp thành công, ít cũng vài năm, nhiều thì mười năm, ba mươi năm. Một người trước tiên cần lập chí theo nghề có hy vọng thành công nhất, sau đó kiên định không ngừng làm việc.
12. Gần lành tránh dữ
Gần lành tránh dữ là hướng đến những điều tốt đẹp, may mắn, tránh xa điều ác, hung dữ.
Trong đời người, chúng ta cần phải luôn phân tích tình huống, xem xét thời thế, minh bạch lành dữ họa phúc. Khi hoàn cảnh tốt lành thì cần thừa thế mà tiến lên; khi hoàn cảnh hung hiểm, thì cần dè chừng, cần thận, cũng là lùi một bước biển rộng trời trong.
Mười hai bí quyết trên, chỉ có “Mệnh” là nhân tố tiên thiên, còn 11 điều còn lại, đều có thể thông qua nỗ lực hậu thiên để thay đổi vận mệnh của mỗi người. Bởi vậy mới nói, mệnh là tự mình lập, vận mệnh nằm trong tay chính bản thân mỗi người.
Cuối cùng, dù đường đời có lắm lúc chông gai, gập ghềnh, nhưng vẫn giữ trong tâm mình thiện niệm, không ngừng hành thiện tích đức, thì phía trước bạn là một bầu trời xanh bao la vẫy gọi.