Theo The Epoch Times, Xiao Ju và bạn trai quen nhau 6 năm, suốt thời gian này cặp đôi quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp tránh thai nào. Chưa sẵn sàng kết hôn và không có khả năng nuôi con, mỗi lần mang thai Xiao Ju lại đến bệnh viện giải quyết.
Lần đầu tiên cô phá thai khi 21 tuổi, đến nay đã được 17 lần. Các bác sĩ tại bệnh viện đã quá quen mặt cô, đến nỗi gọi cô là khách quen.
Trong lần thứ 17 cô đến viện, bác sĩ Zhao, Giám đốc y tế phụ khoa tại Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Shiyan khuyên Xiao giữ lại đứa bé bởi nếu hủy thai lần này, cô sẽ không có cơ hội làm mẹ nữa. Bên trong cơ thể của cô đã bị hư hại nghiêm trọng từ các lần phá thai lặp đi lặp lại trước đó. Cô gái 27 tuổi vẫn khăng khăng muốn bỏ đứa bé khiến các bác sĩ không còn sự lựa chọn nào khác.
"Tử cung của cô ấy hiện giờ mỏng như tờ giấy và có sẹo ở khắp nơi", bác sĩ Zhao cho biết.
Theo các chuyên gia, hiện nay tại Trung Quốc, tình trạng nhiều cô gái trẻ đi phá thai là phổ biến.
Nhiều thập kỷ trước đó, Trung Quốc thực thi chính sách một con khiến nạn phá thai tại đất nước này tăng đáng kể. Cách thay thế duy nhất để không phá thai là trả tiền phạt lớn, điều mà nhiều người không thể chi trả.
Các quảng cáo phá thai xuất hiện rầm rộ trên biển báo góc phố, xe buýt và thậm chí trên taxi, bao gồm các kỹ thuật phá thai không đau, siêu âm, thủ tục không xâm lấn... Quảng cáo hầu hết nhắm vào sinh viên, chi phí trong mức giới hạn. Nhiều vụ phá thai do bị ép buộc. Không ít các cô gái đã bị triệt sản vì chính sách xử phạt khi có nhiều hơn một đứa con.
Bên cạnh đó, số lượng nạo phá thai tăng cao do nhiều người mẹ biết mình không có con trai như ý muốn nên đã bỏ thai. Điều này cũng dẫn đến sự chênh lệch lớn về giới tính tại Trung Quốc.
Sau ba thập kỷ thực thi nghiêm chính sách một con, Trung Quốc nay khuyến khích các gia đình sinh hai con. Tuy nhiên bất chấp sự thúc đẩy này, tỷ lệ sinh vẫn giảm trong khi dân số già đi, đưa đất nước đến nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học có thể xảy ra.