Theo thông tin đưa trên trang The Sun, cô gái 23 tuổi (giấu danh tính) xấu số này đến từ Dehli, Ấn Độ. Cô đã kết hôn được 7 năm và có một cô con gái 4 tuổi. Khi muốn sinh bé thứ hai, cô đã chọn biện pháp IVF.
Cô được cho dùng hormone để biện pháp kích thích buồng trứng (tăng số lượng trứng mà buồng trứng tạo ra) - bước đầu tiên trong IVF. Điều này được thực hiện để các bác sĩ có thể thu thập càng nhiều trứng càng tốt để thụ tinh, làm tăng phôi có thể được cấy ghép.
Sau 11 ngày, cô đến bệnh viện để lấy trứng - bước tiếp theo của quá trình IVF.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, tim của bệnh nhân đã ngừng đập khi các bác sĩ sản khoa cố gắng lấy trứng của cô. Khám nghiệm tử thi cho thấy cô chết vì hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) - một biến chứng ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ thực hiện IVF.
Theo báo cáo được đăng trên tạp chí Khám nghiệm tử thi và Báo cáo trường hợp (Autopsy and Case Reports), các bác sĩ cho biết tiền sử bệnh và kết quả xét nghiệm đều cho thấy bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh trước khi bắt đầu thực hiện các bước của quá trình thụ tinh ống nghiệm.
Tác giả của bài báo, bác sĩ Swati Tyagi và nhóm của cô đã viết rằng huyết áp và nhịp tim của bệnh nhân rất khỏe mạnh. Sau khi gây mê, các bác sĩ thực hiện gây mê và dùng kim để bắt đầu thu thập trứng từ buồng trứng của bệnh nhân. Thủ thuật này thường mất từ 15-20 phút. Nhưng sau khi 1 quả trứng ở buồng trứng bên phải được lấy ra thì huyết áp, nhịp tim và nồng độ oxy của bệnh nhân đã giảm xuống. Họ bắt đầu hô hấp nhân tạo, tiêm thuốc và sử dụng máy khử rung tim để lấy lại nhịp tim nhưng không có tác dụng.
Trong quá trình khám nghiệm tử thi, họ phát hiện ra rằng buồng trứng của bệnh nhân lớn hơn khoảng 3 lần so với bình thường. Cô có tới 10 nang trứng ở mỗi buồng trứng và có chất lỏng xung quanh bụng và phổi - một dấu hiệu cho thấy quá kích buồng trứng (OHSS). Các chuyên gia kết luận rằng cô đã chết vì phù phổi cấp tính - sự tích tụ chất lỏng trong phổi do cục máu đông gây ra và gây khó thở - đã bị OHSS và dẫn đến ngừng tim.
Hội chứng quá kích buồng trứng là gì?
OHSS là một phản ứng đối với các loại thuốc sinh sản, được thực hiện trước khi thu thập trứng để kích thích buồng trứng và làm cho trứng phát triển. Phản ứng này có thể dẫn tới tử vong.Đối với 1/3 số bệnh nhân IVF, các loại thuốc có thể làm cho buồng trứng phát triển quá nhiều nang trứng. Ở đại đa số phụ nữ, điều này gây ra triệu chứng chướng bụng nhẹ kéo dài, khó chịu và buồn nôn.
Nhưng cứ 100 bệnh nhân IVF thì có một người phát triển OHSS trung bình hoặc nặng, gây ra sưng đau ở bụng, cũng như khó đi tiểu và khó thở.
Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, phụ nữ cũng có thể phát triển cục máu đông ở chân hoặc phổi. Khi điều này xảy ra, chất lỏng từ các mạch máu có thể rò rỉ vào bụng và không gian xung quanh tim và phổi.
Sarah Norcross, giám đốc của tổ chức từ thiện sinh sản Progress Educational Trust (PET), nói với MailOnline: "Ở những người hiến trứng, nguy cơ tử vong do OHSS là rất hiếm".
Biểu hiện của hội chứng quá kích buồng trứng
Có 2 giai đoạn biểu hiện của quá kích buồng trứng, bao gồm:
Giai đoạn sớm: Triệu chứng xuất hiện trong vòng 9 ngày sau khi chọc hút trứng/noãn (hoặc phóng noãn), thường gặp phải khi tiêm hCG để kích thích nang noãn trưởng thành.
Giai đoạn muộn: Xuất hiện từ sau ngày thứ 10 trở đi, sau khi chọc hút trứng/noãn, chủ yếu liên quan đến các hCG do nhau thai tiết ra.
Đối tượng dễ bị quá kích buồng trứng
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng OHSS bao gồm:
- Tuổi còn trẻ;
- Nhẹ cân (chỉ số khối cơ thể BMI<18);
- Bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang;
- Có dùng liều cao gonadotropin ngoại sinh;
- Nồng độ estradiol huyết thanh cao hoặc tăng nhanh;
- Có tiền sử bị quá kích buồng trứng.
Ngoài ra, nguy cơ này còn tăng tỷ lệ thuận với số lượng nang noãn phát triển, số nang chọc hút được trong quá trình hỗ trợ sinh sản. Khả năng mắc càng cao hơn khi dùng hCG ngoại sinh liều cao, sử dụng liên tục nhiều lần để kích thích phóng noãn hoặc hỗ trợ giai đoạn hoàng thể. Chu kỳ có thai cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ, tăng độ nặng và thời gian mắc hội chứng quá kích buồng trứng.
Theo TheSun, MailOnline