Cô gái trẻ nuốt muỗng nhựa vào bụng
Trưa 15/11, ThS.BS Nguyễn Văn Xứng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa - Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận cô gái Đ.T.H. (18 tuổi, ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng) không may nuốt phải muỗng nhựa khi đang ăn.
Qua chụp CT Scan bụng, X-quang bụng đứng, ghi nhận có dị vật cản quang trong bụng của bệnh nhân; các bác sĩ thống nhất nội soi thực quản dạ dày có gây mê để gắp chiếc muỗng nhựa dài khoảng 12cm, rộng khoảng 2,5cm.
Trả lời trên báo Phunuonline: Theo bác sĩ Nguyễn Văn Xứng, bệnh nhân nhập viện do dị vật đường tiêu hóa thường gặp do bất cẩn trong lúc ăn uống. Dị vật hay gặp nhất là xương cá, xương gà, xương heo... cũng như hàm răng giả. Còn với tình huống nuốt luôn muỗng vào bụng rất hiếm gặp. Nói chung, dị vật ở đường tiêu hóa cũng nguy hiểm tới tính mạng, nhất là ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi có tỷ lệ tử vong cao.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nuốt dị vật
Những nguyên nhân dẫn tới tình trạng mắc dị vật đường tiêu hóa như: ăn vội vàng, cười đùa trong khi ăn; ngậm các dị vật nhỏ vô tình nuốt; người mang răng giả…
Những biểu hiện khi nuốt dị vật ở trẻ
Chú ý những biểu hiện cần cấp cứu cho trẻ như: trẻ đột ngột khó thở, khó nuốt, nôn khan, khàn tiếng, tím quanh môi, khạc nhổ liên tục, chảy nước dãi… là nghi ngờ trẻ có nguy cơ mắc dị vật ở đường hô hấp.
Một số lưu ý về việc nuốt dị vật
Đối với trường hợp hóc dị vật đường tiêu hóa tương tự như trường hợp trên, người nhà không nên chữa mẹo mà hãy nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Vì khi chữa mẹo chỉ khiến cho dị vật di chuyển có thể làm tổn thương đường tiêu hóa.