An từng có những ngày tân hôn mật ngọt bên Điền. Sáng, An dậy sớm nấu đồ ăn sáng, đã thấy bộ váy công sở được Điền ủi phẳng phiu. An ra xe, Điền cẩn thận gài nón bảo hiểm, bỏ vào túi xách của An vài bịch hạt sấy vì cô ưa ăn vặt. Trưa, An vừa hết giờ làm đã thấy Điền mang tới hộp cơm và ly trà sữa… An từng nghĩ hôn nhân của cô và Điền sẽ không vì ai, vì điều gì mà gặp sóng gió.
An sinh bé Sóc. Đứa bé đáng yêu là niềm hãnh diện của 2 vợ chồng, nhưng bất đồng cũng từ đó mà ra. Sóc có tật khóc đêm, dù chẳng phải đói sữa hay tã ướt, kiểu khóc ngằn ngặt như sắp đứt hơi khiến Điền cuống cuồng. Anh vò đầu bứt tai, hối vợ: “Em làm gì đi! Sao em không biết cách dỗ con vậy?”.
Lần đầu làm mẹ, An bỡ ngỡ không kém chồng. Con khóc bao nhiêu, An khóc theo bấy nhiêu. Điều An cần là được chồng động viên, nâng đỡ tinh thần chứ không phải đổ lỗi. Điền khiến An thất vọng.
Hành trình lớn lên của Sóc kéo theo những bất đồng quan điểm trong cách dạy con của đôi vợ chồng. An mua chiếc giường nhỏ, đặt cạnh giường của vợ chồng, tập cho con ngủ riêng. Cô muốn con không quấn mẹ, để sau này đi làm trở lại, con sẽ đỡ sốc. Điền trách An không biết thương con. Sóc bị sốt, bỏ cả bú. Bác sĩ nói không sao, Sóc sắp mọc răng thôi. An không yên lòng, gọi Điền về.
Mãi tối muộn mới thấy anh, còn mua hộp cánh gà cho vợ. An gào lên: “Con bệnh, sao anh không về ngay?”. Điền phân bua: “Bác sĩ nói con không sao rồi còn gì. Vả lại, nghe tiếng con khóc anh sợ lắm”. An ngồi lặng, nghe dậy sóng trong lòng.
Điền nghe mấy chị đồng nghiệp mách nước, nấu giò heo hầm đu đủ cho An ăn để nhiều sữa. An la trời: “Bụng em đầy ngấn mỡ, anh còn lấy mỡ đắp vô”. Điền rủ An đưa con đi Vũng Tàu đổi gió, quanh quẩn trong nhà hoài tù túng quá. An trách chồng vô tâm, con bé tí đã bắt con hít bụi đường…
Từ khi sinh con, vợ chồng An như mất kết nối, chuyện gì cũng có thể tranh cãi. Con khóc, con bệnh, cả hai căng như dây đàn. Một câu nói, hành động vô ý cũng thành trận cãi vã. Con khỏe con chơi cũng có chuyện để cãi. Tỉ như Điền một mực khẳng định nết khóc dai của Sóc là nhõng nhẽo giống mẹ. An bật lại, nước da Sóc đen thui là kế thừa từ cha…
Đôi lúc An ngơ ngác khi nhìn người chồng trước mặt, thấy xa lạ như thể người nào khác. Cô tự hỏi điều gì đang xảy ra? Bạn bè cô thường nói “có con sẽ bớt thương chồng”. An không tin vào điều đó. Giờ ngẫm lại, cô hoang mang phải chăng là đúng?
An chợt nhớ lớp học tiền hôn nhân, diễn giả nói khi có con, quan hệ vợ chồng bước sang một giai đoạn khác, phải học cách thích ứng. Vợ chồng phải nhẫn nhịn và bao dung lẫn nhau, nhìn người nhìn việc đều phải tích cực. Mọi chuyện đều vì con mà suy nghĩ, để đứa trẻ được lớn lên trong bầu không khí yên bình.
Nhưng vợ chồng cũng đừng vì quá chú ý tới con mà bỏ quên cảm xúc của người kia, cho đối tác “ra rìa”. Vợ chồng phải dành thời gian cho nhau, chiều chuộng lẫn nhau, đánh giá tích cực mọi cố gắng…
An từng ấm ức vì chồng không thấu hiểu và sẻ chia, nhưng ngẫm lại, chồng cùng An chăm con, nấu cho An ăn, muốn đưa An đi chơi là để An thư giãn… Chồng cũng đã cố gắng lắm rồi. Thói thường, người ta hay đổ lỗi cho nhau khi xảy ra chuyện. Chẳng ai nhận lấy trách nhiệm hay tìm nguyên nhân để giải quyết hậu quả.
Giờ An hiểu ra, bấy lâu chồng cũng áp lực không kém. Vợ chồng từng chiều chuộng lẫn nhau, giờ chỉ tập trung vào đứa con, khiến người còn lại cảm thấy hụt hẫng. Vợ chồng gây hấn với nhau chẳng qua muốn gây chú ý với bạn đời, muốn được quan tâm như trước. Những tranh cãi vụn vặt tưởng nhỏ nhưng thực ra đang đầu độc bầu không khí gia đình, khiến vợ chồng dần xa nhau, yêu thương vụn vỡ.
An sẽ ngồi lại cùng chồng để giải tỏa những vướng mắc, học cách dung hòa những bất đồng. Mọi tranh cãi, nguyên nhân đều từ con, nay An sẽ vì con mà làm hòa với chồng. Yêu thương cũ mòn, cần xốc xới lại để đi tiếp ngày rộng tháng dài phía trước.