Tại sao chị dâu em chồng thường xảy ra xung đột?
Tâm lý của một đứa em gái có anh trai thường hay nhõng nhẽo. Lớn lên, dù có trưởng thành hay chín chắn hơn, họ thường vẫn là những người được anh trai yêu chiều. Anh trai khi có vợ, không phải lúc nào cũng có thể quan tâm, chăm sóc và chiều chuộng em được như trước. Vì vậy, có đôi lúc trong cuộc sống, những mâu thuẫn xung đột rất hay xuất phát từ bản tính hơi trẻ con của em chồng.
Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp tính cách của chị dâu em chồng không hòa hợp, khiến cho người trung gian là chồng gặp nhiều rắc rối. Sự hòa hợp có nhiều yếu tố: Em chồng chưa chín chắn, còn chị dâu lại chưa đủ khéo léo. Khi không ai nhượng bộ ai, cả em chồng và chị dâu đều đặt cái tôi của mình lên quá cao, mọi chuyện sẽ trở nên vô cùng phức tạp.
Mối quan hệ muôn thuở này xảy ra ở cả trong gia đình hiện đại, khi nhu cầu cuộc sống đã được nâng cao và học thức của con người cũng được cải thiện. Điều này không thuộc về yếu tố văn hóa hay truyền thống mà xuất phát từ tâm lý chung của mỗi người.
Nỗi lòng của người đứng giữa
Những xung đột giữa em chồng và chị dâu khiến cho người đứng giữa lắm lúc khó xử. Đàn ông ít khi để ý chuyện nhỏ nhặt, những xung đột vụn vặt hàng ngày của phụ nữ. Nhưng ngược lại, phụ nữ rất nhạy cảm, họ lại thường ấm ức, tức giận vì những thái độ, cách ứng xử của những người xung quanh.
Những mâu thuẫn không dứt khi chị dâu em chồng ở chung nhà, nhiều khi cãi nhau như cơm bữa. Không hòa hợp, không hiểu nhau, không đủ hi sinh và vị tha để có thể giải tỏa những căng thẳng thường nhật. Mâu thuẫn ấy kéo dài dẫn đến gia đình không được bền chặt. Chị dâu mệt mỏi, em chồng không phục, chồng không biết nên đứng về phía ai và xử lý như thế nào cho ổn thỏa. Nếu không có ai nhường bước, không có sự sẻ chia, sẽ còn những giọt nước mắt, những ấm ức và sứt mẻ.
Tha thứ để sống hạnh phúc hơn
Dù biết rằng ai cũng có cá tính, ai cũng muốn cái tôi của mình được thỏa mãn. Nhưng trong gia đình, hạnh phúc và sự hòa thuận vô cùng quan trọng, quan trọng hơn cái “tôi” của bạn rất nhiều.
Bạn là em chồng, bạn muốn anh trai mua cho bạn thứ này thứ kia. Bạn muốn anh trai quan tâm và chiều chuộng bạn như khi chưa có gia đình? Thật khó để làm được điều đó. Bởi lẽ, anh trai còn có gia đình để lo lắng, để chăm sóc. Hãy nhớ rằng chị dâu bạn là người mà anh bạn yêu. Họ cũng có quyền nhận được sự chở che và quan tâm của anh trai bạn. Vì vậy, hãy chấp nhận chia sẻ để đồng cảm, để thấu hiểu hơn người chị dâu của mình. Biết đâu, khi làm được điều đó, chị dâu lại là tri kỷ của cuộc đời bạn đấy.
Chị dâu cũng là mấu chốt quan trọng gây ra những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình. Người chị dâu khéo léo sẽ biết cách trị những thói hư tật xấu của em chồng. Hơn ai hết, họ phải là người hiểu tâm lý em chồng, biết được em cần gì và hiểu được lý do tại sao em lại hay nhõng nhẽo. Khi gặp phải một đứa em dâu bướng bỉnh, cứng đầu, sẽ thật sai lầm khi bạn gồng mình lên để đối đầu với nó. Đôi lúc, bạn cũng nên yêu chiều em chồng mình như mẹ vậy. Có một điều thú vị trong mối quan hệ chị dâu em chồng là, khi em chồng đã biết thương chị dâu, họ thường coi chị dâu mình như người mẹ thứ hai vậy.
Những ông chồng có vẻ sẽ rất khó xử khi đứng giữa những xung đột giữa vợ và em gái. Tuy nhiên, hãy gắn kết họ lại bằng những câu chuyện. Sự chân thành và kiên trì sẽ cực kỳ có ích trong những mối quan hệ gia đình. Việc lắng nghe, chia sẻ và động viên từ hai phía sẽ giúp bạn dần kết nối được mối quan hệ này thôi.
Chuyện xung đột khi chị dâu và em chồng sống chung nhà là câu chuyện không mới. Tuy nhiên, chúng ta thường quá vội vàng và không khéo léo khiến cho những mâu thuẫn này dai dẳng. Trong mối quan hệ gia đình, mỗi người hãy hạ cái tôi của mình xuống một chút, hãy đồng cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn để những khoảng thời gian ở cạnh nhau không còn quá nặng nề.