Một đứa tóc xoăn, một đứa tóc thẳng
Minh (đã thay đổi họ tên), ông bố trẻ có mặt tại Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền từ rất sớm. Anh muốn xét nghiệm cha con với hai mẫu tóc đã chuẩn bị sẵn.
Hai đứa con sinh đôi của anh đều là con gái, một đứa có mái tóc xoăn, một đứa tóc thẳng. Anh quyết định làm mức xét nghiệm có kết quả nhanh nhất sau ba giờ đồng hồ và ngồi ở đây đợi.
Gần trưa, kết quả được đưa đến tay anh. Tay run run ký nhận, ông bố trẻ rú lên kinh hãi: “Trời ơi! Thật kinh khủng! Một đứa không phải là con…”.
Hai đứa trẻ sinh đôi mà chỉ có một đứa là con anh. Đứa còn lại không phải.
Sau khi loại trừ mối lo lấy nhầm mẫu và trao nhầm con ở bệnh viện, anh gục đầu kìm nén sự đau khổ. Cả trung tâm cũng ngỡ ngàng trước ca “có một trên đời” này.
Anh nhớ khi vợ mới sinh con, nữ hộ sinh còn nói rành rọt: “Chị sinh được hai cô công chúa có hai kiểu tóc khác nhau, xinh lắm nhé!”. Càng lớn, khác biệt của hai đứa trẻ càng rõ rệt. Họ hàng, bạn bè đều băn khoăn vì hai đứa bé khác nhau một trời một vực.
Anh cũng tự trấn an mình nhưng cho đến khi con được hai tuổi, không thể chịu đựng được nữa nên đã bí mật lấy tóc của con mang đi xét nghiệm ADN.
Lo ngại lỡ bé “xoăn” bị trao nhầm khi ở bệnh viện, Th.S. Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền đã đề nghị người chồng mang tóc của vợ đến đây làm xét nghiệm. Bà sẽ làm miễn phí xét nghiệm mẫu này cho anh để tìm ra sự thật.
Đúng như dự đoán của người chồng, cả hai bé cùng một mẹ nhưng khác bố, không có chuyện nhầm con ở bệnh viện.
Vợ anh là trường hợp đặc biệt, có thể trong kỳ kinh nguyệt đó, chị có hai quả trứng rụng cùng một lúc và sự “đặc biệt” đó đã để lại hậu quả nghiêm trọng, tố cáo quá khứ ngoại tình của chị. Chị đã sinh hoạt tình dục với một người đàn ông khác trong vòng vài ngày sau khi quả trứng thứ hai có khả năng thụ thai.
“Với trường hợp này, tôi chỉ biết khuyên người bố hết sức bình tĩnh, sáng suốt để giải quyết vấn đề. Cả hai đứa bé đều rất đáng thương và cả hai đều sẽ bị tổn thương nghiêm trọng nếu người bố và mọi người xung quanh cùng sỉ nhục người mẹ”, Th.S Nga bộc bạch.
Xét nghiệm ADN có làm tan nát gia đình?
Ở đây, bà Nga gặp rất nhiều trường hợp ông bố nhận kết quả “không phải là con” đã không giữ nổi bình tĩnh trước nỗi đau đớn bị vợ “cắm sừng”.
Cứ mỗi khi gặp câu chuyện li kì “có một không hai” theo lời bộc bạch của khách hàng sau khi giải mã ADN lại khiến bà trăn trở.
Nhiều người hỏi bà Nga: “Liệu xét nghiệm ADN có làm tan nát hạnh phúc gia đình?”. Tuy nhiên, bà cho rằng ADN không phải là “thủ phạm” khiến hạnh phúc gia đình tan nát. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra, không gì có thể che giấu được “bí mật chết người”.
“Gia đình chỉ hạnh phúc khi tất cả thành viên thủy chung, trong sáng và tin tưởng lẫn nhau. Khi niềm tin yêu trọn vẹn, họ sẽ không bao giờ cần đến xét nghiệm ADN.
Người tìm đến dịch vụ này đều mang trong mình những nỗi éo le, khúc mắc, ngờ vực không thể giải tỏa. Họ cần kết quả ADN chính xác để đưa ra quyết định đúng đắn nhất dù đau khổ hay hạnh phúc trước sự thật được phơi bày”, bà Nga chia sẻ.
Mời độc giả Phụ nữ Sức khỏe đón đọc Kỳ 3 Chuyện ly kỳ trong phòng xét nghiệm AND: Thai nhi trong bụng mẹ nhưng chỉ là con của bố.