Trong xã hội hiện nay có xuất hiện một bộ phận không nhỏ các bé trai đang phát triển thành nhóm người lớn sợ hãi thế giới bên ngoài. Họ thà sống với bố mẹ, bị người đời cho là kẻ ăn bám còn hơn là phải lăn lộn, phải tự chịu trách nhiệm, sống khổ sở, sống cảnh giác với bất kì ai.
Câu chuyện của chàng trai tên Michael Rotondo là một ví dụ điển hình của việc cha mẹ thất bại trong việc dạy con tự lập.
Michael Rotondo là một người đàn ông 31 tuổi đã dọn về ở cùng nhà cha mẹ tại thị trấn Camillus, hạt Onondaga, bang New York, Mỹ vào 8 năm trước. Dù cha mẹ đều đã già, thế nhưng anh này lại không chịu đỡ đần việc nhà hay thực hiện bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào.
Trước khi con trai bị thẩm phán toà án tối cao tại New York xử phải rời khỏi nhà cha mẹ, ông bà Rotondo đã 5 lần nhờ đến sự can thiệp của luật sư để buộc con trai dọn ra ngoài nhưng đều thất bại, theo BBC.
Sau nhiều cố gắng "tống cổ" cậu con trai ra khỏi nhà bất thành, ông bà Rotondo "xuống nước", đề nghị hỗ trợ con trai 1.100 USD để thuê nhà. "Ngoài kia vẫn còn đầy các công việc phù hợp với người ít kinh nghiệm lao động như con. Con phải làm việc chứ!", ông bà Rotondo tuyệt vọng nói với con trai.
Tuy nhiên, cậu con trai vẫn không có biểu hiện chuyển đi, ông bà Rotondo quyết định đâm đơn ra tòa án tối cao ở New York sau khi tòa án quận cho biết họ không có thẩm quyền giải quyết vì Micheal là người thân trong gia đình của nguyên đơn.
Tại phiên tòa xét xử, Micheal Rotondo tự biện hộ rằng anh có quyền sống với bố mẹ thêm 6 tháng nữa. Thẩm phán thẳng thừng bác bỏ đòi hỏi "quá đáng" của bị cáo. Đáp lại, người đàn ông 30 nói yêu cầu của cha mẹ "mới là quá đáng".
Karol Markowicz, chủ mục của tờ New York Post, sau khi xem câu chuyện này đã báo động các bậc phụ huynh trong cách giáo dục các bé trai: Các bé trai đang bất ổn. Một thế hệ các cậu bé hư hỏng đang biến thành những người đàn ông kém cỏi, còn mọi người xem chuyện này như một trò đùa, khuyến khích sự cười nhạo và lên án thay vì nhìn sâu vào bản chất vấn đề.
Những cậu bé được nuông chiều "thái quá" thì đến 20 năm sau sẽ trở thành những người đàn ông kém cỏi, thích ỷ lại, dựa dẫm, ham chơi hơn ham làm, không biết lo cho bản thân mình lẫn người khác.
Một nghiên cứu của trung tâm Pew (Mỹ) từ năm 2016 cho thấy nam giới tuổi 18-36 hay sống ở nhà với bố mẹ hơn là ở riêng. Đó là một thống kê gây sửng sốt, đặc biệt khi điều tương tự không xảy ra với phụ nữ.
Một nghiên cứu năm 2010 của nhà tâm lý Judith Kleinfeld trên tạp chí Gender Issues đã chỉ ra những vấn đề mà các bé trai gặp phải lại chưa được chú ý để giải quyết. Trẻ nam có tỷ lệ tự tử, rối loạn ứng xử, cảm xúc và phạm tội ở độ tuổi vị thành niên cao hơn so với nữ giới cùng tuổi, hơn nữa, điểm số đạt được trên lớp cũng như tỉ lệ đỗ đại học cũng thấp hơn.
Một phần của vấn đề là ngày nay, trong khi mọi người khích lệ sức mạnh, quyền bình đẳng quanh các bé gái, thì lại chẳng đề cập tới điều đó khi trò chuyện với các bé trai. Mong đợi nam giới sẽ luôn thành công chỉ vì họ là phái mạnh là ảo tưởng. Và bây giờ, người ta lại lờ đi những gì xảy ra với một thế hệ các cậu trai cùng thời với Michael, đang chông chênh và sống bám vào cha mẹ khi đã bước sang tuổi băm.
Đáng buồn hơn, trong xã hội hiện nay có xuất hiện một bộ phận không nhỏ các bé trai đang phát triển thành nhóm người lớn sợ hãi thế giới bên ngoài. Họ thà sống với bố mẹ, bị người đời cho là kẻ ăn bám còn hơn là phải lăn lộn, phải tự chịu trách nhiệm, sống khổ sở, sống cảnh giác với bất kì ai. Chính vì thế, không chỉ có một Michael nhà Rotondo mà còn có khá nhiều cậu trai khác vẫn còn chông chênh, sống bám vào bố mẹ khi đã bước sang tuổi 30.
Tại Hàn Quốc, theo báo cáo của Cục Thống kê Hàn Quốc, hơn một nửa số người Hàn độc thân ở độ tuổi 30 đang sống cùng cha mẹ thay vì dọn ra ở riêng, Yonhap đưa tin.
Báo cáo cũng cho thấy hơn 60% những người chưa kết hôn trong độ tuổi 20-44 đang ăn bám người thân.
Tỷ lệ các hộ gia đình có thanh niên trên 26 tuổi độc thân sống cùng bố mẹ đã không ngừng gia tăng đáng kể từ 9% năm 1985 lên 26% năm 2010, theo báo cáo của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc.
Một khảo sát khác của cơ quan này chỉ ra khoản tài chính trung bình mà các bậc phụ huynh phải hỗ trợ cho mỗi người con trưởng thành của mình lên tới 740.000 won (650 USD)/tháng.
Gần một nửa số người tham gia khảo sát không có việc làm, cho thấy tình trạng thất nghiệp dường như là yếu tố chính đằng sau cái gọi là "thế hệ chuột túi".
Ở Nhật Bản, theo Viện Nghiên cứu và Đào tạo Thống kê, năm 2016, có đến 4,5 triệu người Nhật trong độ tuổi từ 35 đến 54 sống với cha mẹ. Tờ Japan Times vào năm 2018 còn cho biết, có đến 50% người cân nhắc muốn sống với gia đình.
Ở các nước phương Tây, con cái trưởng thành thường tự lập và sống tách biệt với cha mẹ. Nhưng ở Nhật Bản cũng như một số nước châu Á khác, nhiều người con trưởng thành sẽ sống với cha mẹ cho đến khi lập gia đình. Vấn đề sẽ không có gì đáng trách nếu họ không chịu lao động để rồi trở thành gánh nặng cho chính gia đình và xã hội. Những người này được "ưu ái" gọi với cái tên là "những người độc thân ký sinh".
Masahiro Yamada, nhà xã hội học tại Đại học Chuo, là người đã đặt ra thuật ngữ "độc thân ký sinh" vào năm 1997. Theo Yamada, đây là nhóm người tuổi ngoài 20 nhưng vẫn chọn sống với bố mẹ để tận hưởng cuộc sống thoải mái, thậm chí họ không muốn kết hôn khi về già. Sau này, thuật ngữ còn dùng để chỉ những người lớn tuổi sống cùng gia đình nhưng không đóng góp gì đáng kể mà còn dùng cả tiền lương hưu của cha mẹ già.
Bản thân nhóm người "độc thân ký sinh" tuổi trung niên không có lương hưu hay khoản tiết kiệm riêng, vì thế họ cũng có khả năng tạo thêm gánh nặng cho hệ thống phúc lợi xã hội. Hệ thống này vốn đã eo hẹp vì bị tác động bởi tình trạng dân số già và lực lượng lao động ngày càng gỉam của Nhật Bản.
Nhiều năm trở lại đây, nền kinh tế bấp bênh, dẫn đến sự phân tầng ngày một rõ rệt giữa các tầng lớp xã hội. Để tăng tính cạnh tranh và đảm bảo cho con cuộc sống tốt hơn, các bậc cha mẹ cho con học ở trường tốt hơn và kiểm soát tất cả mọi vấn đề trong đời. Họ thương con nhưng đôi khi bao bọc con quá mức.
Theo các nhà tâm lý học, sự kiểm soát quá mức này đã làm gia tăng cảm giác phụ thuộc của đứa trẻ. Chính việc không nỡ "ném" con trẻ ra ngoài để đối mặt với những thách thức của thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến đứa trẻ khi nó trưởng thành.
Bởi vậy, không chỉ các bé gái, bố mẹ cũng nên dạy các bé trai gấp chăn màn, trải giường - việc tưởng chừng nhỏ nhất mà lại có ý nghĩa lớn nhất trong việc định hướng tương lai cho con cái. Các bậc phụ huynh hãy dạy con ngay từ bé là phải biết yêu lao động. Lúc nhỏ biết phục vụ bản thân, lớn hơn thì phụ giúp cha mẹ và dần độc lập trong cuộc sống.
Bố mẹ cần phải tỉnh táo, thương con tới đâu cũng nên nghĩ về lâu dài và lo cho cả tương lai của chính mình. Con cái tới tuổi trưởng thành là phải kiên quyết 'đẩy' ra sống tự lập, có như vậy chúng mới có trách nhiệm với chính mình và sau đó là gia đình riêng