Nghệ sĩ có được quyền tự đưa ra đáp án?
Trước tiên, chúng ta cùng nhìn lại một bài học: Trấn Thành. Cách đây chưa lâu, anh bị ném đá tơi bời chỉ vì những gì anh nói trên các gameshow. Người ta sẽ suy luận: hoặc là chương trình muốn Trấn Thành nói thế (ví dụ như kịch bản Tô Ánh Nguyệt phiên bản hài), hoặc là Trấn Thành nhanh nhảu quá mức, tự phát ngôn "nhảm" để rồi không kìm hãm được.
Nói lại, không phải để minh oan cho Thành, nhưng khi chương trình phát sóng qua các khâu biên tập, các ê kíp thực hiện chương trình có vẻ như muốn để lại những thứ mà họ biết chắc dễ xảy ra sự cố. Và rồi khán giả chỉ biết Trấn Thành nói, vì Thành nổi tiếng. Còn ai để cho những câu từ đó đến với khán giả, thì ít ai nói.
Thành có lỗi là rất rõ, vì dẫu sao anh là người đã làm việc đó dù vô tình hay cố ý. Nhưng một mình Trấn Thành không thể tự đưa những ngôn ngữ không đẹp đến cho khán giả được.
Và câu chuyện của Hương Giang, nếu bạn để ý kỹ, cũng sẽ có những điều tương tự. Chỉ có hai khả năng: một là Hương Giang đã đi quá giới hạn ngôn ngữ, nhưng là do cô tự phát. Và hai là chương trình muốn cô đưa ra đáp án đó để gây sự chú ý.
Một chương trình truyền hình đạt đến độ chuyên nghiệp là chương trình đã lên kịch bản kỹ. Chuyện để các khách mời đưa ra đáp án chắc chắn không phải là tình huống phát sinh ngoài kịch bản. Là một người từng làm các show, tôi biết, chuyện đáp án chắc chắn là đạo diễn biết, nhà sản xuất biết.
Và một chương trình chuyên nghiệp chắc chắn sẽ có những thảo luận riêng về đáp án mà nghệ sĩ đưa ra. Bởi vì đó là nguyên tắc an toàn khi làm việc. Thêm nữa, thời gian vừa rồi không phải lần đầu một số gameshow nếm đủ đòn vì phát ngôn của nghệ sĩ.
Vậy câu chuyện, nếu Hương Giang đã biết trước được việc cô chọn đáp án kia, thì suy cho cùng, Giang vẫn là người đáng trách. Tức là cô đang đồng loã với một hành động không được đẹp từ phía chương trình đang muốn dùng chính cô để gây sự chú ý. Trong khi đó, thứ ngôn ngữ mà Giang đưa ra trong đáp án kia, nó vượt quá giới hạn ứng xử tối thiểu trong một không gian đòi hỏi sự văn hoá, chứ chưa nói đến việc xúc phạm đến nghệ sĩ đàn anh.
Tại sao lại là Hương Giang?
Tôi rất xin lỗi nếu ý kiến của tôi có đụng chạm đến vấn đề giới tính. Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng, với những người trong cộng đồng LGBT, độ hoạt ngôn thường cao hơn những người thường.
Thậm chí, đôi khi họ nhanh nhảu đến mức bốp chát, thậm chí văng tục một cách hồn nhiên, không còn phân biệt được trên dưới và không còn nghĩ đến cảm xúc của người đối diện miễn là sao họ chứng tỏ được cái độ "tài lanh" đó của mình. Và người đời thường xem những màn bốp chát đó là thứ để tiêu khiển, để cười cợt.
Có thể, Hương Giang cũng nằm trong số "nhanh nhảu" ấy và ngay lập tức, vạ miệng đã xảy đến. Giới hạn giữa đời thường và không gian thu hình có vẻ như bị xé tan khi mà chính những ngôn ngữ hơi "khang khác" một lần nữa được đưa ra và sử dụng ngay trong một chương trình, dù may mắn rằng, chương trình chưa kịp phát sóng.
Nếu sử dụng sự "lanh" này của Giang, nhà sản xuất và đạo diễn chương trình đã hoàn toàn đạt được mục đích, ít nhất là chương trình được biết đến.
Còn Hương Giang, chắc chắn lúc vui lên cao trào, cô cũng không nghĩ đến hậu quả mà ngôn ngữ của mình mang lại. Tôi không loại trừ sự "bốp chát hồn nhiên" của Hương Giang đã bị lợi dụng trở thành một món đòn gây chú ý cho chương trình.
Và cuối cùng, người thì bị tổn thương, người thì bị lỗ chỗ những cú ném đá gạch từ phía đồng nghiệp và dư luận. Một bài học đau đớn cho việc "tài lanh" đã được rút ra và hy vọng rằng, chúng ta sẽ không gặp lại điều này ở bất cứ không gian sống nào khác chứ không chỉ trên truyền hình.
Tôi biết, cuộc sống là muôn màu, mọi người có quyền chọn cách nói chuyện để mình vui nhưng, ít nhất, với những người nổi tiếng, nên nhìn ra những thói quen nói chuyện nào đang gây bất lợi cho mình để tránh những rắc rối cho bản thân, tránh đụng chạm đến người khác và trên hết là tránh bị đưa ra để người khác đạt mục đích của mình.
Người nên xin lỗi chính là nhà sản xuất chương trình
Sự việc không có gì đáng phải ầm ĩ vì nếu một người nhỏ tuổi trót "phạm thượng" với đàn anh thì một lời xin lỗi là cần thiết và tiếp theo là thái độ trước và sau xin lỗi. Và câu chuyện sẽ không đi quá xa nếu như, trong câu chuyện này, phía nhà sản xuất có những ứng xử chắc chắn không ổn.
Trước hết về cách làm việc của đạo diễn chương trình. Để một sự cố xảy ra dù có thể là vô ý đi chăng nữa, anh nên có lời xin lỗi các khán giả của mình. Còn nếu anh đã đưa ra đáp án này và biến nghệ sĩ thành con rối trong tay mình để chương trình được chú ý, thì chuyện không còn gì để nói - đó là vấn đề đạo đức nghề nghiệp.
Một cách làm việc vô cùng khó hiểu, đó chính là cách xử lý vụ việc. Hiện tại, theo thông tin tôi được biết là chương trình chọn Hương Giang chứ không chọn nghệ sĩ Trung Dân chỉ vì...Hương Giang ký hợp đồng! Tại sao lại thế? Tại sao trong một chương trình mà người thì ký hợp đồng, người thì không? Làm như thế anh còn tôn trọng nghệ sĩ khi họ ngồi vào chương trình của anh không?
Theo tôi, lời nói của Hương Giang có thể làm nghệ sĩ Trung Dân tổn thương nhưng cách xử lý của phía chương trình sau sự cố lại làm độ tổn thương đó sâu hơn nhiều và khiến vụ việc đi quá xa, đẩy nghệ sĩ về hai thái cực đối lập khác hẳn.
Chuyện đâu có đáng bị đẩy đi quá xa như thế và nghệ sĩ đâu có đáng bị tổn thương nhiều đến thế, dù là nghệ sĩ Trung Dân hay ca sĩ Hương Giang?
Tôi nghĩ rằng, nhà sản xuất muốn chương trình đến với khán giả, thì hãy xin lỗi những nghệ sĩ đã bị tổn thương sau việc này. Suy cho cùng họ là ai, là người gây tổn thương cho người khác hay tổn thương vì người khác, thì họ đều là người đã vì chương trình của anh mà mất mát, tổn hại quá nhiều.
Lời xin lỗi cần thiết bây giờ, là của nhà sản xuất chương trình. Đó là cách ứng xử văn minh và hợp lý.