Nhiều nghiên cứu cho thấy, tiềm mặt là nơi có thể ẩn chứa nhiều vi khuẩn, có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm cho con người.
Theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong 1 gam tiền giấy có tới 210 triệu vi khuẩn hiếm khí và 32.000 vi khuẩn gram âm.
Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng đưa ra khuyến cáo, tiền mặt có thể là vật dụng trung gian làm lây truyền virus corona.
VOV đưa tin, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, thực ra không phải thời kì dịch bệnh hoành hành mà ngay từ lâu, người ta đã biết việc tiền mặt rất bẩn, chứa rất nhiều vi khuẩn.
Có thể lấy một ví dụ đơn giản. Khi bạn đi chợ, bạn đưa tiền cho người bán cá, tay người này vừa làm cá xong thì cầm tiền. Như vậy, tiền này đã bẩn rồi. Họ đưa lại tiền thừa cho bạn và những đồng tiền này cũng không tránh khỏi việc nhiểm khuẩn.
Ở Trung Quốc, người ta cũng đã tính đến biện pháp cách ly, khử trùng tiền mặt bởi vì dịch bùng phát quá lớn. Virus có khả năng tồn tại trên tiền rất lâu và đồng tiền lưu thông từ nơi này qua nơi khác, từ người này sang người khác nên cần nghĩ đến biện pháp khử trùng tiền.
Để hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19 nói riêng và nhiều bệnh truyền nhiễm khác, PGS. Thịnh đưa ra 3 khuyến cáo với người dân trong sử dụng tiền mặt:
- Hiện nay, nhiều người có thói quen đưa tay lên miệng làm ướt rồi đếm tiền. Đây là hành động vô cùng nguy hiểm làm lây nhiễm vi khuẩn từ tiền vào cơ thể con người và ngược lại. Do đó, chúng ta cần bỏ thói quen này ngay lập tức.
- Sau khi sử dụng tiền và làm bất cứ việc gì khác, cần phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, nước khử khuẩn. Đây là một trong những việc làm quan trọng giúp hạn chế vi khuẩn, virus có cơ hội xâm nhập cơ thể.
- Trong thời buổi công nghệ phát triển, chúng ta có thể thực nhiện các thanh đoán điện tử, chuyển khoản, thanh toán thẻ để hạn chế việc giao dịch bằng tiền mặt.