Thực tế cho thấy, vẫn có nhiều bà mẹ không biết làm thế nào khi trẻ cảm thấy tủi thân, ấm ức vì mẹ chuẩn bị sinh em bé.
Do đó, để giúp bé có được tâm lý thật vui vẻ cùng mẹ chào đón sự ra đời của em, TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) đưa ra một vài lời khuyên cho các bậc phụ huynh.
Theo TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh, với bât kỳ đứa trẻ nào, khi mẹ có em bé thì chúng thường mang một suy nghĩ “mẹ sẽ yêu em bé hơn mình”, “em bé sẽ lấy mất đi tình yêu của mẹ vốn dĩ trước đây thuộc về mình.
Hơn nữa, người lớn gieo thêm tư tưởng “con sẽ bị cho ra rìa”. Vì thế, đứa trẻ nào cũng cảm thấy hụt hẫng, như bị bỏ rơi. Để những trường hợp trên xảy ra cũng một phần do người lớn không biết cân bằng, xử lý mọi chuyện hoặc thường đem đứa bé so với đứa lớn khiến trẻ sinh lòng đố kỵ.
“Để trẻ không bị sốc khi chuẩn bị lên chức thì bố mẹ cũng cần như một chuyên gia tâm lý. Hãy trò chuyện với con về hình ảnh của em bé trong tương lai. Bố mẹ sẽ giúp con hòa thuận với em ngay từ khi em ở trong bụng, hỏi con thích em trai hay em gái, đặt tên em là gì.
Đừng vì áp lực công việc hay cơ thể nặng nề mà từ bỏ thói quen chăm sóc con mỗi ngày, hãy cho con có thời gian để làm quen dần với việc đó. Khi mẹ ở viện sinh em bé, nếu có điều kiện thì đưa trẻ đến đó để trẻ cảm nhận được tình yêu thương trong gia đình. Hãy nói với trẻ rằng “con đã từng là một đứa bé, từng được chăm sóc như em”, TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh cũng cho rằng, điều quan trọng nhất mà người lớn cần làm đó là chú ý hành động của trẻ. Hãy bảo vệ con khỏi những lời trêu đùa vô ý có thể làm tổn thương. Ngay cả người lớn khi gia đình có thêm người thì cảm xúc cũng sẽ lẫn lộn, vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ một cách tốt nhất
Những bà mẹ khi mới sinh con thường tước hết các quyền lợi của trẻ. Nhưng các mẹ không biết, những đứa trẻ ấy vẫn cần được mẹ ôm, ngủ với mẹ.
Vì vậy, các mẹ cũng đừng tước đi hết của con, cho con thời gian để thích nghi với việc con đã "lên chức". Tất cả tâm lý, cảm xúc của trẻ có thay đổi hay không đều phụ thuộc vào cách ứng xử của người lớn trong gia đình.