Như báo Sức khỏe&Đời sống đã thông tin vụ bé trai 3 tuổi bị nhốt trong tủ cấp đông, mặc dù các bác sĩ đã cho bé ra viện nhưng bé vẫn còn các biểu hiện kích thích, quấy khóc, lo sợ khi có người lạ tiếp xúc và ăn uống còn kém.
Vì vậy, các bác sĩ BV Nhi Trung ương lưu ý gia đình cần cho bé được nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc với người lạ. Bố mẹ nên thường xuyên ở bên cạnh để động viên, tạo niềm vui và cảm giác an toàn cho bé để giảm tối đa các hoảng loạn, tổn thương về tinh thần. Đồng thời, tiếp tục theo dõi thêm các ảnh hưởng tâm lý của bé về sau.
Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, PGS.TS.Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Tôi cảm thấy sốc khi đọc tin về vụ việc bé trai 3 tuổi bị nhốt vào tủ cấp đông này. May mắn là tình huống xấu nhất chưa xảy ra, tuy nhiên chúng ta cần nhận thức thật rõ những nguy cơ mà nhiều cha mẹ đang mắc phải. Đó là sự lơ là trách nhiệm làm cha mẹ".
PGS.TS.Trần Thành Nam lưu ý, qua vụ việc này, các bậc phụ huynh cần dạy con nguyên tắc để giữ an toàn trong môi trường một mình hoặc với người lạ.
Cha mẹ cần biết con ở đâu, với ai mọi lúc. Phải quy định và dạy cho trẻ thói quen xin phép cha mẹ trước khi đi bất cứ đâu. Số điện thoại của bố và mẹ phải cho con thuộc để có thể tìm cách liên lạc. Cha mẹ cần chỉ ra những nơi nào an toàn để chơi, những lối đi nào an toàn để đi, một số nguyên tắc ứng xử ở nơi công cộng. Cha mẹ cũng cần dạy trẻ tin vào bản năng của mình, giải thích rằng nếu chúng không cảm thấy thoải mái hãy tránh càng xa càng tốt và tìm cách chạy về với các thành viên gia đình.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, tùy theo sự phát triển của lứa tuổi, khi đứa trẻ có được các kỹ năng nhận diện tình huống nguy hiểm, biết cách ứng xử phù hợp với các tình huống gặp người lạ thì cha mẹ mới để cho con cái tự do khám phá môi trường xung quanh mà không có sự quan sát trực tiếp.
PGS.TS.Trần Thành Nam cảnh báo, với trẻ 3 tuổi, thông thường trẻ phải được chơi trong môi trường an toàn (trong gia đình) hoặc nơi công cộng với sự giám sát (24/24) của một thành viên trong gia đình.
Ở độ tuổi lên 3, trẻ sẽ có nhiều hành vi người lớn cho là "hư" nhưng lại là sự phát triển hết sức bình thường của lứa tuổi. Giai đoạn này các bé muốn tự làm mọi thứ nên sẽ tự tiện, không hỏi xin phép. Khi bị cản trở sẽ có những cơn bốc đồng tức giận không kiểm soát được. Đôi khi các em gây sự có "ý đồ" để tìm kiếm sự chú ý cũng là bình thường.
Vì vậy, trẻ cần được quan tâm, uốn nắn với các quy tắc nề nếp rõ ràng và sự kiên nhẫn cùng tình thương. "Trách nhiệm của chúng ta là phải giám sát và bảo vệ những đứa trẻ thật an toàn".
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Tạ Anh Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia luật và liên danh) cho rằng, về mức độ nguy hiểm của hành vi và sự tàn nhẫn của đối tượng, ai cũng có thể cảm nhận. Với hàng loạt tình tiết định khung có thể phải chịu như giết người dưới 16 tuổi hay vì động cơ đê hèn. Nghi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, theo luật sư Tạ Anh Tuấn, do nạn nhân đã qua cơn nguy kịch sau khi được bác sĩ cứu chữa nên hành vi phạm tội của đối tượng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt quy định tại Điều 15, Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.