Chiều 18/9, trong buổi lễ khai mạc trận bóng đá, chùm bóng bay (có khí hidro) bất ngờ phát nổ khiến 3 cầu thủ U14 và bác bảo vệ bị bỏng phải đưa đi cấp cứu. Trong đó, bác bảo vệ bị bỏng nặng ở cánh tay, phải đưa đi Hà Nội điều trị”.
Sự việc xảy ra khi nhóm cầu thủ U14 đứng gần đó có kéo chùm bóng bay đến để phía trên đầu với mục đích che nắng.
Khi các cầu thủ đang đứng dưới chùm bóng bay thì ông Lâm (bảo vệ) đến dùng bật lửa đốt khiến chùm bóng bay phát nổ.
Hậu quả khiến 3 cầu thủ bị bỏng vùng mặt, cổ, tay... Riêng ông Lâm cũng bị bỏng nặng được đưa đến bệnh viện, sau đó chuyển ra Hà Nội điều trị.
Thực tế có không ít vụ việc nạn nhân bị bỏng nặng do bóng bay có chứa khí hydro phát nổ.
Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định bóng bay không còn là một món đồ chơi, trang trí mà có thể trở thành công cụ gây sát thương, bỏng nặng cho người ở gần nếu chẳng may nó phát nổ.
“Nếu người bán bóng bơm bóng bay bằng khí Heli thì khi bóng nổ vẫn an toàn. Tuy nhiên, loại khí này đắt và hiếm nên ở nước ta, người bán thường dùng khí Hydro. Khí này rẻ tiền, rất dễ sản xuất, chỉ cần trộn vụn nhôm đồng nát, vôi, kiềm nén lại trong bình là có khí hydro.
Điều nguy hiểm là loại khí Hydro có trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh nếu ở gần nguồn lửa như tro đốt vàng mã, tàn thuốc lá, quả pháo hoa nổ chậm, pháo phụt, nến đang cháy và gây sát thương cho nạn nhân”, PGS. Hồng Côn phân tích.
Nhiệt độ tự cháy của Hydro có thể lên tới 500 độ C. Chính vì thế, khi bóng bay phát nổ sẽ gây thương tích như cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt. Càng những chùm bóng bay lớn thì mức độ sát thương càng lớn.
Chuyên gia khuyến cáo tốt nhất người dân hãy tránh xa bóng bay - món đồ chơi, trang trí tưởng chừng như vô hại để tránh tai họa bỏng “tai bay vạ gió”.