Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là tới Tết Nguyên đán Canh Tý. Thị trường cây cảnh phục vụ nhu cầu biếu tặng, trang trí nhà cửa đã "vào mùa".
Người trồng đào Tết lúc này đang nhộn nhịp buôn bán, thức ngủ cùng hoa. Bởi số phận một năm trời 'cày cuốc' chỉ trông vào đúng hơn mười ngày “dã chiến” cuối cùng này!
Thời tiết nắng ấm đã khiến hoa đào nở sớm hơn nhiều so với dự kiến. Ảnh: Thu Hà
Tuy nhiên, thời tiết giáp Tết nóng ẩm, mưa nhiều khiến hoa đào nở sớm. Điều đó khiến người trồng đào tại Hà Nội lại “mất ăn mất ngủ”.
Hoa đào nở đỏ thắm cả ruộng. Ảnh: Thu Hà
Theo nhận định của dân trong nghề thì cứ 1 ngày nóng bằng 15 ngày lạnh. Chỉ cần trời nóng dồn dập trước đợt cao điểm bán đào Tết khoảng 2 tuần như thế này thì không biết phận đào sẽ đi về đâu.
"Hoa cười", người trồng đào lo mất Tết. Ảnh: Thu Hà
“Rét quá thì 'đào mù', phải có phương án tưới nước sưởi ấm cho đào. Nhưng nóng quá thì hoa chóng nở sớm tàn trước Tết thì coi như mất Tết. Thời điểm này đành bán đào sớm để người dân chơi rằm tháng Chạp, Tết ông Công ông Táo. Chỉ mong trời thương có đợt gió mùa Đông Bắc, người trồng đào vẫn có thể hãm hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán”, anh Thành, một dân trồng đào tại làng hoa đào La Cả (Hà Nội) bày tỏ.
Số phận một năm vun trồng đều trông vào hơn mười ngày "dã chiến" cuối cùng này. Ảnh: Thu Hà
Trước cơn lốc đô thị hóa, bên cạnh ruộng đào truyền thống là những công trình đô thị sừng sững mọc lên, người trồng đào chỉ biết tận dụng từng tấc đất để trồng đào. Những hộ dân có điều kiện thì đi thuê đất các làng bên trồng đào cho được lâu.
Mặc dù tất bật với mùa vụ Tết nhưng thời điểm này, người trồng đào đã chuẩn bị gốc đào cho Tết năm sau. Ảnh: Thu Hà
Những gốc đào mang theo niềm hy vọng, công sức của người trồng đào tại Hà thành. Ảnh: Thu Hà