Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thông tin trong khoảng từ tháng 7- 9/2019, bệnh viện đã phát hiện và điều trị cho ba trường hợp mắc chứng bệnh Whitmore do “vi khuẩn ăn thịt người” gây ra là em Nghiêm Thanh Tuấn (14 tuổi, trú huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh), em Hoàng Văn Cao (10 tuổi, trú xã Thanh ngọc, huyện Thanh Chương, Nghệ An), em Nguyễn Công Hào (11 tuổi, xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).
Theo xác nhận, trường hợp của em Tuấn sau khi điều trị 50 ngày đã xuất viện trở về nhà. Hiện nay, hai em Cao và Hào vẫn tiếp tục điều trị, theo dõi tại khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Theo đó, ba trường hợp trên được người thân đưa đến bệnh viện trong tình trạng bệnh cảnh áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai nghiêm trọng. Người nhà bệnh nhi bị nhầm với bị quai bị, cho điều trị tại nhà nhưng không thấy đỡ nên đem đi bệnh viện. Các bác sĩ cho tiến hành cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện dương tính với bệnh Whitmore.
Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Bệnh này được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị “lãng quên”.
Bệnh dễ mắc phải ở người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính với các biểu hiện lâm sàng đa dạng như sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc có thể dẫn đến tử vong.