Một nghiên cứu của Úc được công bố trên tạp chí Appetite cho thấy trẻ em ăn rau và hoa quả vào bữa tối sẽ đạt được điểm số tốt hơn trong các bài kiểm tra viết và bài kiểm tra đọc. Vì trong rau củ giàu chất chống oxy hóa giúp duy trì DNA, giàu polyphenol - chất này cực kì tốt cho não bộ.
Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên về sự tác động của ăn rau củ vào bữa ăn tối với việc học tập của trẻ. Thông qua quá trình nghiên cứu cho thấy việc ăn rau và hoa quả cải thiện được thành tích của trẻ em ngay cả khi yếu tố nhận thức ở trẻ phụ thuộc vào trình độ học vấn của bố mẹ.
Tác giả chính, phó giáo sư của Đại học Newcastle ở Úc, cho biết: "Các kết quả nghiên cứu cung cấp cái nhìn sâu sắc về vai trò của chế độ ăn uống lành mạnh với trình độ nhận thức”.
Nhận xét về nghiên cứu, Louise Dye, giáo sư về dinh dưỡng và hành vi tại Đại học Leeds, nói: "Có những tác dụng có lợi của chế độ ăn uống lành mạnh đối với chức năng nhận thức. Các polyphenol được tìm thấy trong rất nhiều loại rau quả đặc biệt là những loại có màu sắc sặc sỡ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nhận thức ở người lớn và trẻ em.”
Nhưng theo ý kiến của nhà nghiên cứu Tracy Burrows, có thể có những lý do khác để giải thích sự liên quan giữa rau quả có tác động đến việc làm tăng kết quả học tập trong trường học: "Ngoài việc bố mẹ đang cung cấp cho con một chế độ ăn uống lành mạnh thì còn có yếu tố giúp trẻ nâng cao trình độ nhận thức, chẳng hạn như hỗ trợ trẻ trong việc đọc sách và làm bài tập ở nhà".
Nghiên cứu này được thực hiện đối với trẻ từ 8 đến 15 tuổi, được điều tra bằng cách khảo sát cha mẹ cho con ăn rau thường xuyên như thế nào vào bữa ăn tối.
Kết quả với hơn 4.200 trẻ em cho thấy họ đạt được điểm số trên 86 điểm về bài đọc và bài kiểm tra toán nếu họ ăn rau quả vào mỗi bữa tối trong tuần, cao hơn so với trẻ em không ăn.
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện thêm đồ uống có đường sẽ làm cho trẻ em học kém hơn. Trẻ em được bố mẹ cho uống 4 ly đồ uống có đường mỗi ngày có điểm số kiểm tra dưới 46 điểm, thấp hơn nhiều so với những trẻ ít uống đồ uống có đường hơn. Vì trong các đồ uống có đường chứa carbohydrate tinh chế làm giảm khối lượng của não, bao gồm cả trung tâm bộ nhớ.
Naveed Sattar, giáo sư về dược phẩm chuyển hóa tại Đại học Glasgow, cho biết các nhà nghiên cứu đã thay đổi nhiều quan điểm nuôi dạy con của cha mẹ, nhưng cũng không thể can thiệp bắt buộc trẻ em ăn các chế độ ăn uống lành mạnh giống nhau hoàn toàn.
Sattar nói thêm: "Có rất nhiều lý do về sức khỏe để khuyến cáo mọi người thêm trái cây và rau quả, đồ uống không chứa đường trong thực đơn ăn uống. Sức khỏe được cải thiện, trong đó bao gồm cả khả năng tăng kết quả học tập của trẻ".