Bỏ thi tốt nghiệp với ĐH hệ tại chức
Từ 1-5, chính thức bỏ thi tốt nghiệp với đại học hệ vừa học, vừa làm; điều kiện xét tốt nghiệp sẽ được thực hiện theo quy chế đào tạo đại học hệ chính quy theo tín chỉ hiện hành. Việc đào tạo đại học hệ vừa học vừa làm được tổ chức và quản lý theo tín chỉ; người học có thể học và thi để tích lũy một số tín chỉ cùng với hệ đào tạo chính quy. Đặc biệt, người học không đủ điều kiện tốt nghiệp, không bị kỷ luật buộc thôi học, nếu có yêu cầu sẽ được cấp Giấy chứng nhận các học phần đã hoàn thành trong chương trình đào tạo.
(Thông tư 06/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế đào tạo vừa làm vừa học trình độ đại học, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5 quy định).
Liên kết đào tạo trình độ đại học
Từ 1-5, để được thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học, cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo phải có quyết định cho phép mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ đại học và đã tuyển sinh tối thiểu 2 khoá đối với ngành dự kiến liên kết đào tạo; đã công bố công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm sau 12 tháng đối với ngành dự kiến liên kết đào tạo của khoá tốt nghiệp gần nhất; không vi phạm các quy định về xác định chỉ tiêu, tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo và các quy định khác có liên quan trong thời hạn 03 năm tính đến ngày thực hiện liên kết đào tạo…và đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất nơi đào tạo..
(Thông tư 07/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học, có hiệu lực từ ngày 1-5 quy định)
Học lực giỏi mới được dự tuyển đào tạo tiến sĩ
Từ 18-5, người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải có bằng thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi trở lên, thay vì chỉ cần bằng tốt nghiệp ĐH loại khá trở lên như quy định hiện hành.
Ngoài ra, người dự tuyển còn phải đáp ứng các điều kiện: Là tác giả một bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn ba năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển…
(Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, có hiệu lực từ 18-5 quy định).
Giáo viên dạy nghề trình độ cao đẳng phải có thời gian giảng dạy từ 1 năm
Từ 1-5, giáo viên dạy nghề trình độ trung cấp, cao đẳng phải có thời gian tham gia giảng dạy ít nhất 12 tháng; có chứng chỉ sư phạm dạy nghề; có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng nhận bậc thợ hoặc chứng nhận nghệ nhân nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, thầy thuốc nhân dân hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề hoặc tương đương (với nhà giáo dạy thực hành); Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) trở lên…
(Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực thi hành từ 1-5 quy định).
Sản xuất, kinh doanh muối được hỗ trợ đến 1 tỉ đồng
Từ 20-5, tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh muối, dịch vụ sản xuất muối, kho chứa muối sẽ được áp dụng các chính sách về tín dụng thương mại, tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách; cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh muối được vay vốn tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngoài ra, người dân sản xuất muối trong độ tuổi lao động sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng về kỹ thuật sản xuất muối. Tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư vào sản xuất, chế biến muối theo chuỗi giá trị được hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước; mức hỗ trợ tối đa là 1 tỷ đồng, áp dụng cho tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, chế biến muối hay áp dụng cho mỗi lao động đi đào tạo.
(Nghị định 40/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh muối, có hiệu lực thi hành từ ngày 20-5 quy định).