Ngày 8/3/2008, câu chuyện về một nữ học sinh trung học ở Tử Giang, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc tự tử đã gây xôn xao dư luận của nước này. Cô bé tên là Đàm Dao – người nổi tiếng với danh xưng Thần đồng vì thành tích học tập xuất chúng của mình.
Thời điểm cô bé ra đi chỉ trước sinh nhật tuổi 14 đúng 26 ngày. Cô bé ra đi, mang theo bao hi vọng của cha mẹ mình, bỏ lại giấc mơ thần đồng và được trở thành một tình nguyện viên Olympic còn dang dở. Đằng sau cô bé là hàng loạt những bộ phim hoạt hình, những bộ phim truyền hình muốn xem nhất nhưng không bao giờ còn cơ hội. Điều này để lại một nỗi ám ảnh quá lớn với người lớn.
Hào quang của một thần đồng…
Đàm Dao sinh ngày 28/8/1994 tại tỉnh Hồ Bắc. Ngay từ khi 2 tuổi cô bé đã bộc lộ sự khác biệt khi có thể đọc, nhớ mặt chữ một cách tài tình, làm các phép toán cộng trừ trong phạm vi 100 là quá đơn giản với cô bé. Chính vì vậy, dù con gái còn nhỏ nhưng mẹ của Đàm Dao vãn quyết định cho con đi học từ sớm.
Ngay từ khi 2 tuổi, Đàm Dao đã bộc lộ mình là một thần đồng
Đàm Dao học lớp 1 khi mới 4 tuổi nhưng cô bé luôn giữ vững vị trí đầu lớp. Học tới lớp 3, Đàm Dao đã học xong toàn bộ chương trình lớp 4 và rồi được tuyển thẳng vào lớp 5. Cô bé chỉ mất khoảng 4 năm để hoàn thiện chương trình học 6 năm ở tiểu học.
Không chỉ học hành giỏi giang, Đàm Dao còn là một cô bé năng động và cá tính. Cô bé có thể đánh đàn, ca múa và hát rất hay. Đàm Dao cũng giỏi máy tính và thể dục… Bởi thế Đàm Dao được đánh giá là xuất sắc hơn người.
Năm 9 tuổi, Đàm Dao vào học cấp 2. Cô bé đã từng chia sẻ rằng ước mơ của mình là được làm một tình nguyện viên ở Olympic Bắc Kinh sẽ được tổ chức vào năm 2008.
Thế nhưng… chỉ còn khoảng 5 tháng trước khi khai mạc Olympic Bắc Kinh, Đàm Dao đã mãi mãi không chạm được tay vào giấc mơ của mình…
Từ bỏ cuộc đời chỉ vì một lần bị khiển trách
Sáng ngày 6/3/2008, giáo viên chủ nhiệm vô tình phát hiện ra Đàm Dao đọc tạp chí trong giờ học. Đây là lần thứ 3 người thầy bắt gặp cảnh này, vì thế, giáo viên của Đàm Dao đã gọi cô bé lên giữa giờ giải lao và nói rằng: “Tuần này thành tích của em không đạt, em mời phụ huynh lên gặp nhà trường để trao đổi”.
Sau tiết học đó là giờ thể dục, người ta vẫn thấy cô bé vui chơi, nô đùa như các bạn bình thường. Nhưng đến giờ ăn, cô bé không lên dùng bữa mà nhờ một bạn thân mang cho gói mì tôm. Khoảng 5-6h, cô giáo phát hiện Đàm Dao không có trong phòng học, chỗ ngồi của cô bé để lại một lá thư tuyệt mệnh trên vở. Ngay lập tức ông đã đi báo với nhà trường và thông báo tới phụ huynh.
Đàm Dao gồng mình lên trở thành một thần đồng theo kì vọng của bố mẹ và những người xung quanh (ảnh minh họa)
Mọi người bủa vây đi tìm khắp nơi. Bảo vệ khóa cổng trường nên chắc chắn cô bé không hề ra ngoài. Mọi ngóc ngách đều được tìm nhưng không ai nghĩ đến cái ao ngay cạnh cổng trường. Cho tới ngày 8/3/2008, thi thể của Đàm Dao nổi lên…
Cái chết của Đàm Dao khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa. Cô bé có cả môt tương lai đẹp phía trước nhưng lại quyết định từ bỏ tất cả. Thậm chí, mẹ của Đàm Dao còn không tin nổi sự thật này. Bà khẳng định con gái mình là một người vui vẻ, hay nói cười, con gái chắc chắn không tự sát mà chỉ… chẳng may trượt chân xuống cái ao mà thôi.
Tuy nhiên, tìm hiểu sâu hơn về nội tâm của cô bé, người ta hiểu rằng, Đàm Dao… đã quá mệt mỏi rồi. Cô bé để lại những dòng thư đau đớn: “Xin lỗi những người đã đặt quá nhiều kì vọng vào tôi. Mọi người đã phải thất vọng rồi. Nhưng hi vọng, kiếp sau không còn phải mệt mỏi nữa”.
14 năm với hành trình lớn lên đầy áp lực
Cái chết của cô bé đã dấy lên những tranh luận gay gắt của người dân Trung Quốc. Rất nhiều những luận điểm đã được đưa ra để chứng minh rằng cô bé thực sự là một nạn nhân đáng thương hại của những kì vọng và áp lực.
Mẹ của Đàm Dao đau đớn khi đọc lá thư tuyệt mệnh của con
Các chuyên gia cho rằng, thực tế có 2 kiểu “thần đồng”. Một là những người có trí lực siêu vượt, IQ từ 130 trở lên. Những đứa trẻ như vậy thường có trí tuệ siêu đẳng và được gọi là thần đồng. Nhưng cũng có nhưng đứa trẻ trí lực không hoàn toàn xuất chúng nhưng lại có nỗ lực phi thường để đạt được thành tích khủng, đó cũng được xem là một dạng thần đồng. Và Đàm Dao là một kiểu như vậy. Những đứa trẻ như thế chịu áp lực rất lớn và có nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý rất cao.
Các chuyên gia cũng chỉ ra những điều khiến Đàm Dao quyết định lựa chọn cái chết:
Thần đồng nhưng thiếu giáo dục về cuộc sống
Việc Đàm Dao lựa chọn cái chết là để phản đối những lời khiển trách của giáo viên hay cô bé đang trốn chạy khỏi cuộc sống?
Cô bé chỉ đọc một cuốn tạp chí về cuộc sống, không có gì xấu hay sai trái. Thế nhưng cô bé lại cảm thấy có lỗi với cha mẹ mình khi đã làm điều đó và rồi cô bé chọn cách tự tử. Đàm Dao đã học tập rất chăm chỉ, phấn đấu để trở thành một thiên tài, cố gắng đáp lại kì vọng của cha mẹ. Vì thế khi phạm một lỗi nhỏ, cô ấy đã cảm giác mình đã phạm trọng tội. Đàm Dao học rất nhiều thứ nhưng lại quên không học cách trân trọng cuộc sống của mình.
Xã hội quá háo hức với những thành công và hào nhoáng. Cô bé đã không có một tuổi thơ vô tư, sớm mang nhiều áp lực để trở thành một người xuất chúng trong mắt mọi người. Khi đã quá mệt mỏi, cô bé chọn cách từ bỏ.
Bà mẹ quá đau khổ trước cái chết bất ngờ của con gái thiên tài
Được tán dương quá nhiều, không biết cách chấp nhận lời chỉ trích
Hành trình lớn lên của Đàm Dao được tung hô bởi những mỹ từ và những thành tích hơn người. Cô bé vui vẻ bởi những tiếng vỗ tan tán thưởng và những lời ngợi khen. Thế nên, cô ấy không biết cách đối diện với lời phê bình, dù là nhỏ nhất. 2 tuổi đã phải đi học, cái độ tuổi lẽ ra nằm trong vòng tay của bố mẹ thì đã phải gồng lên học lấy kiến thức. Cô bé luôn phải sống và học tập trong một môi trường toàn người lớn hơn mình. Có thể vẻ bề ngoài, Đàm Dao đầy chín chắn và già trước tuổi, thế nhưng cô bé lại rất mong manh về tâm lý. Cô bé không thể chịu nổi dù là một lời chê bai nhỏ.
Zhu Song, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu thanh niên Trung Quốc đã phân tích trường hợp của Đàm Dao như sau:
“Cha mẹ của cô ấy đã không thực sự hiểu con mình. Trẻ bước vào tuổi vị thành niên đặc biệt nhạy cảm khi liên quan đến cha mẹ. Bình thường trẻ có thể tỏ ra rất hoạt bát, vui vẻ nhưng ẩn sâu bên trong là những nỗi lo sợ không dám tỏ bày. Chúng luôn muốn nhận được lời khen ngợi từ cha mẹ và khi mắc lỗi nhỏ, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của mình trong mắt bố mẹ, chúng rất sợ hãi.
Cô bé đã quá căng thẳng và không được sống một cách thoải mái. Cô bé có vấn đề về tâm lí. Trẻ ở giai đoạn này rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Quá nghiêm khắc, mong đợi thái quá, chăm sóc quá kĩ càng và can thiệp vào cuộc sống của con có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Đã tới lúc, cha mẹ nên quan tâm tới việc thực sự con mình muốn gì thay vì việc bắt chúng phải làm những gì mình muốn”.