Chỉ trong 1 tuần qua, tại Hà Nội và Hưng Yên đã phát hiện ít nhất 2 bệnh nhân bị viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu, khiến hàng chục người có tiếp xúc gần với bệnh nhân phải uống kháng sinh dự phòng và ở trong phòng cách ly.
Đây là bệnh nguy hiểm nhóm B, lây lan nhanh, có thể gây tử vong cho người khỏe mạnh chỉ trong 24 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trẻ nên những ngày qua nhiều bậc phụ huynh nhanh chóng đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh và tình trạng khan hiếm vắc xin đang xảy ra ở nhiều nơi.
Tuần qua, một thiếu nữ 15 tuổi ở Hà Nội bị viêm màng não tới mức hôn mê và một nam giới 30 tuổi bị viêm màng não dẫn đến rối loạn ý thức đều do vi khuẩn não mô cầu, phải điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai.
Ngoài ra, các bệnh viện còn ghi nhận nhiều ca nghi nhiễm bệnh và không ít bệnh nhi bị bệnh viêm phế quản phổi, có kết quả xét nghiệm dịch hầu họng chứa vi khuẩn não mô cầu. Do vậy, các chuyên gia y tế cảnh báo đang có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh này.
“Đây là bệnh cấp tính, bệnh cảnh rất đột ngột nên dễ chẩn đoán nhầm với những bệnh khác. Vi khuẩn gây bệnh ký sinh ở hầu họng nên quá trình tiếp xúc có thể bị lây nhiễm trực tiếp, con đường lây nhiễm là qua đường hô hấp và 50% người lành mang vi khuẩn gây bệnh này nhưng chỉ khi nào vi khuẩn xâm nhập được vào máu hoặc lên màng não thì mới gây viêm não. Bệnh cảnh thường gặp là sốt đột ngột, sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, lơ mơ, hôn mê thì lúc đó bệnh đã trở lên nặng rồi”, Bác sĩ Nguyễn Thị Dương Hiền, Trung tâm Tiêm chủng Polyvac - Bộ Y tế cho biết.
Vi khuẩn não mô cầu có nhiều tuýp A, B, C, D, tại nước ta thường lưu hành tuýp A và B, tương ứng với 2 loại vắc xin phòng bệnh là AC và BC. Hiện vắc xin não mô cầu chưa có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nên phụ huynh chỉ có thể đưa trẻ đi tiêm tại các phòng tiêm chủng dịch vụ với giá khoảng 220.000/ liều.
Lịch tiêm là 6 tháng tuổi tiêm vắc xin AC, 24 tháng tuổi tiêm vắc xin BC. Hiện nay, tại Trung tâm 131 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội không còn vắc xin, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và phòng tiêm Vibiotex chỉ còn vắc xin AC và Phòng tiêm Safpo chỉ còn vắc xin BC.
“Hiện nay các bà mẹ nuôi con nhỏ nghe được thông tin có thể có dịch bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu nên đưa con đến tiêm rất nhiều. Trung tâm tiêm chủng Polyvac của chúng tôi còn đầy đủ cả 2 loại vắc xin não mô cầu là AC và BC. Vắc xin BC có thể tiêm đến 45 tuổi và AC tiêm đến 64 tuổi ”, Bác sĩ Dương Hiền cho hay.
Ở thể tối cấp, tỷ lệ tử vong do vi khuẩn não mô cầu có thể lên đến 70%. Ở thể viêm màng não mủ, nếu điều trị không kịp thời, tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Những trường hợp sống sót có thể để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt.
Bộ Y tế khuyến cáo, ngoài việc tiêm vắc xin phòng bệnh cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường, đeo khẩu trang khi cần thiết, đảm bảo nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ, thông thoáng. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời./.
Để phòng tránh bệnh, mọi người có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh: Hiện nay có nhiều loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, nhưng mỗi loại chỉ phòng được 1 số típ vi khuẩn gây bệnh nhất định. Vắc xin cũng chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nên khi có nhu cầu tiêm chủng vắc xin này mọi người cần đến các phòng tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn và tiêm phòng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn mũi họng.
- Tránh làm việc quá sức
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị mắc bệnh, nếu không bắt buộc phải dùng khẩu trang và thuốc dự phòng.
- Nơi ở, nơi làm việc nên để thông thoáng.
- Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn và nôn, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị đồng thời thông báo cho các Trạm Y tế, Trung tâm Y tế để thực hiện các biện pháp phòng bệnh.