Những vụ việc đau lòng
Như Báo Nhân Dân đã đưa tin, vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 6/9, quán karaoke An Phú trên đường Trần Quang Diệu (phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã bất ngờ bốc cháy ngùn ngụt. Lửa và khói nhanh chóng lan rộng khiến nhiều khách và nhân viên không kịp thoát ra ngoài.
Quán karaoke bị cháy cao 3 tầng với diện tích xây dựng khoảng 1.500m2. Diện tích bị cháy xác định khoảng 400m2, nằm ở khu vực tầng 2 và 3. Do bên trong quán sử dụng nhiều vật liệu trang trí, nội thất bằng nhựa và gỗ nên khiến hậu quả của vụ việc càng thêm nghiêm trọng.
Tới 4 giờ sáng ngày 7/9, lực lượng cứu hộ đã phát hiện những thi thể nạn nhân đầu tiên và đưa ra ngoài. Con số thương vong liên tục tăng sau đó. Tới tối 7/9, theo báo cáo, đã có tới 33 người, bao gồm 17 nam, 16 nữ thiệt mạng. Ngoài ra còn có 11 nạn nhân bị thương hiện vẫn đang được điều trị tại các bệnh viện tại Bình Dương; trong đó 3 người bị thương nặng.
Trước đó, đầu tháng 11/2016, một vụ việc đau lòng tương tự cũng đã xảy ra khi quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bốc cháy rồi lan sang các căn nhà bên cạnh. Sau hơn 5 giờ chiến đấu với giặc lửa, hỏa hoạn mới cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, 13 người đã tử vong.
Cơ quan chức năng vào thời điểm này xác định, nguyên nhân vụ cháy là do các công nhân đến hàn sắt cắt bản lề, tháo cửa tại quán đã khiến vảy hàn bắn vào các phần ốp cách âm. Ngoài ra, quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông cũng có nhiều vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Những người làm trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng không thể quên được vụ cháy xảy ra tại quán karaoke Nhật Thực số 4B, ngõ 43 Giảng Võ (quận Đống Đa, Hà Nội) trưa ngày 3/5/2014. Đám cháy đã khiến toàn bộ quầy bar cùng tầng 1 của ngôi nhà bị thiêu rụi. Ngoài ra, 5 người khác đã tử vong do ngạt khí.
Trước đó, vào chiều 19/11/2013, một ngọn lửa cũng đã bùng phát tại khu vực Zone 9 (Trần Thánh Tông, Hà Nội) khi một nhóm công nhân trong khi thi công đã khiến vảy hàn bắn vào vật liệu dễ bắt lửa. Dù lửa chỉ bùng lên dữ dội khoảng 30 phút và được khống chế ngay sau đó, nhưng lượng tấm mút, xốp lớn nên khói đen đặc quánh và rất độc. Điều này đã khiến 2 công nhân tử vong tại chỗ, 4 người khác qua đời sau đó khi nhập viện.
Đau lòng nhất, ngay đầu tháng 8, trong quá trình chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại vụ cháy quán karaoke ISIS số 231 Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội), 3 cảnh sát Phòng cháy chữa cháy gồm Trung tá Đặng Anh Quân, Trung úy Đỗ Đức Việt và chiến sĩ nghĩa vụ Nguyễn Đình Phúc đã hy sinh.
Trong nhiều năm, các vụ cháy quán karaoke, vũ trường liên tiếp xảy ra và để lại các hậu quả vô cùng nghiêm trọng cả về tải sản và con người đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về rủi ro hỏa hoạn và những hậu quả khôn lường đối với việc quản lý và đảm bảo an toàn đối với các cơ sở kinh doanh tương tự.
Bịt kín lỗ thông, thay đổi thiết kế, lối thoát hiểm chống chế…
Chưa hết đau lòng vì vụ cháy nghiêm trọng tại Bình Dương, Nhà giáo Nhân dân, Đại tá, PGS, TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy cho rằng: Hầu hết các trường hợp hỏa hoạn xảy ra với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đều để lại những hậu quả hết sức đau lòng.
“Nguy cơ cháy nổ đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này rất cao bởi cả hai yếu tố chính là chất cháy và nguồn nhiệt”, Đại tá Xiêm nhận định.
Cụ thể, theo vị chuyên gia này, chất cháy tại các quán karaoke hiện nay đều có tải trọng rất lớn, bao gồm gỗ, xốp, lớp phủ trang trí vật liệu bằng nhựa. Đây đều là những chất dễ bắt lửa; đồng thời tỏa ra lượng khí lớn và rất độc hại cho sức khỏe con người.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi trước đây, yếu tố tác động nguy hiểm nhất trong một vụ hỏa hoạn đầu tiên là khói. Bên trong đó có những loại khí cực độc mà chỉ cần 10-30mlg/m3 đã rất đáng sợ, có khả năng gây mất cảm giác, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh con người. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh karaoke để phục vụ kinh doanh đều làm hệ thống cách âm rất kín, bịt mọi lỗ thông ra bên ngoài bằng các vật liệu dễ cháy. Hầu hết các vụ hỏa hoạn, phần lớn các nạn nhân tử vong do ngạt khi hút phải khói”, PGS, TS Ngô Văn Xiêm phân tích.
Bên cạnh đó, ngay cả trong trường hợp “lạc quan nhất” khi khói không có nhiều chất độc hại thì riêng việc hít phải khí nóng cũng đã ảnh hưởng và có nguy cơ bỏng, cháy hết hệ hô hấp.
Đồng tình với quan điểm này, theo nhận định của một cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội, thực tế cho thấy, cơ sở kinh doanh karaoke có đặc điểm kiến trúc thường rất kín để tránh tiếng ồn sang nhà lân cận, mặt trước công trình hầu như bị che chắn để làm biển hiệu quảng cáo; điều kiện thông gió gần như không có, khi xảy cháy sẽ xảy ra hiện tượng tụ khói.
“Đây cũng là nơi tồn chứa nhiều chất dễ cháy như bàn ghế, phông rèm, cách âm, thảm nền bằng mút, xốp, cao su, bông vải sợi…, do đó khi cháy có tốc độ cháy lan cực nhanh, tỏa nhiều khói, khí độc”, vị cán bộ bổ sung thêm.
Yếu tố nguy cơ thứ hai phải kể tới theo Đại tá Xiêm là nguồn nhiệt, mà chủ yếu trong số đó là nhiệt điện. Theo nguyên Phó Giám đốc trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, chủ các cơ sở kinh doanh karaoke chưa tuân thủ các quy định an toàn.
“Khi trình để xin cấp phép, hệ thống điện bao gồm loại dây, công suất tiêu thụ đều rất chuẩn, nhưng trong quá trình sử dụng, chủ các cơ sở lại tự ý cải tạo, nâng cấp và lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện khác dẫn tới tình trạng quá tải, vượt xa lúc thẩm định. Họ tìm mọi cách đều giấu kín việc này khiến cơ quan chức năng rất khó khăn để phát hiện và xử lý. Chưa kể có những cơ sở kinh doanh đến 20 năm nhưng vẫn sử dụng hệ thống điện cũ. Điều này rất nguy hiểm và gây ra nguy cơ cao”, Đại tá Xiêm chia sẻ.
Thực tế, vụ cháy tại Bình Dương cũng xuất phát từ nguyên nhân này. Trong cuộc họp báo sáng 8/9, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết vụ cháy xuất phát từ sự cố chập điện từ vách cách âm của quán. Nguồn nhiệt phát sinh nhanh sau đó gây cháy diện rộng.
Bên cạnh điện, một nguyên nhân phổ biến khác là do vảy hàn trong quá trình sửa chữa. Theo Đại tá Xiêm, vảy hàn thường có nhiệt độ rất cao, ngay cả khi đã không còn độ sáng nhưng vẫn dao động quanh mức từ 7-800 độ C.
“Vảy hàn bắn vào người còn cháy cả thịt nên khi tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như đã nói ở trên, hậu quả là khôn lường”, ông Xiêm nhấn mạnh.
“Lợi nhuận kinh doanh tại các cơ sở karaoke rất lớn nên chủ các cơ sở thường bất chấp,” Đại tá Ngô Văn Xiêm nói.
Về mặt thiết kế chung, một chuyên gia khác đến từ lực lượng phòng cháy chữa cháy cho biết thêm: Việc thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành quán Karaoke nhưng không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cũng là một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nhiều cơ sở thiếu số lối thoát nạn hoặc làm lối thoát nạn kiểu… tạm bợ, chống đối.
Yếu tố nguy cơ thứ ba chính là yếu tố con người. Khách vào hát karaoke hầu hết đều không có ý thức xem địa điểm mình sử dụng dịch vụ có lối thoát hiểm không, lối thoát hiểm được bố trí ở vị trí nào, khi xảy ra sự cố sẽ phải di chuyển ra sao.
Thậm chí, như trong vụ cháy tại Thuận An (Bình Dương), theo cơ quan chức năng, khi được thông báo, nhiều khách vẫn tiếp tục đóng phòng lại hát, có người trong trạng thái không được tỉnh táo.
Cần làm gì khi đối mặt với hỏa hoạn tại quán karaoke, vũ trường
Liên quan đến vụ việc, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội đã đưa ra hướng dẫn thoát nạn cụ thể cho người dân khi đối mặt với hỏa hoạn tại các quán karaoke và vũ trường.
Theo đó, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra, Công an Thành phố Hà Nội Khuyến cáo đối với Chủ cơ sở kinh doanh và người dân khi tham gia vui chơi tại các cơ sở karaoke.
Cụ thể, đối với chủ cơ sở kinh doanh karaoke cần tuyệt đối tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân viên kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và thoát nạn khi có cháy, nổ; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhân viên, khách hàng chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Các cơ sở cũng cần tự tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong đó tập trung một số nội dung gồm: Việc duy trì yêu cầu về ngăn cháy lan, lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp; hệ thống, thiết bị phòng cháy, hệ thống điện; quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án Cứu nạn cứu hộ của cơ sở; công tác trực của lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh.
Trong quá trình thi công, cải tạo, sửa chữa, các chủ cơ sở phải thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn chung.
Đối với người dân, cơ quan chức năng đưa ra khuyến cáo cần tự tìm hiểu, học tập để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy và kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra…
Trước khi có hoạt động vui chơi, tất cả cần quan sát kỹ các lối thoát nạn đề phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra thì xử lý được kịp thời và an toàn cho chính bản thân mình.
Khi tham gia đến các nơi vui chơi, giải trí, người dân cần chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; không mang chất cháy, chất nổ đến những nơi này…
Khi phát hiện xảy cháy hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho mọi người biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính, qua cầu thang thoát hiểm, tuyệt đối không được sử dụng thang máy.
Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: Qua ban công, cửa sổ, sân thượng sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây…; tuyệt đối không núp trong phòng, trong nhà vệ sinh… Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng áo, quần thấm ướt, trùm lên đầu và người cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.