Rửa rau, củ như thế nào để vừa sạch bụi bẩn, vừa hạn chế hóa chất độc hại là điều nhiều người quan tâm.
Trong đó, ngoài cách ngâm trong nước muối, nhiều chị em chia sẻ kinh nghiệm về việc dùng chanh, nước giấm để làm sạch tồn dư hóa chất. Họ cho rằng việc ngâm chanh hoặc giấm sẽ tạo ra phản ứng làm trung hòa các độc tố hóa học có trong rau.
Trả lời về điều này, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cho biết chanh, giấm có tính axit nên giúp khử mùi tanh ở những thực phẩm tươi sống như thịt, cá. Với rau củ quả, người ta thường rất ít khi dùng chanh và giấm để ngâm rửa.
Chuyên gia này khẳng định việc dùng chanh và giấm để loại bỏ tồn dư hóa chất không mang lại nhiều lợi ích. Bởi axit trong chanh và giấm khó có thể hòa tan được nhóm chất hữu cơ (thuốc bảo vệ thực vật) có trong rau củ quả.
“Bản chất của việc ngâm, rửa rau là nhằm làm sạch, còn rất khó để loại bỏ được tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Khi nuôi trồng, nếu sử dụng các loại hóa chất, nó sẽ ngấm từ từ trong quá trình phát triển nên việc loại bỏ là không đơn giản.
Đối với chất bảo vệ thực vật, cần phải có thời gian nhất định để phân giải hết các độc tố. Trung bình thời gian thu hoạch an toàn sau phun thuốc là 15-20 ngày”, bác sĩ Anh Đào chia sẻ.
Chuyên gia này cho biết theo thói quen, mọi người sẽ dùng muối để ngâm rau, vì chúng có tính sát khuẩn cao, lại không tốn kém bằng việc dùng nước chanh. Còn với giấm, nếu dùng với lượng vừa đủ thì không gây hại. Tuy nhiên, pha được lượng giấm theo tỷ lệ chuẩn để ngâm rau củ thì không phải điều dễ làm.
Cách tốt nhất, người dân nên rửa rau dưới vòi nước sạch, sau đó ngâm trong nước muối khoảng 5-10 phút. Bà cũng lưu ý trước khi nấu, chúng ta phải rửa thêm một lần với nước sạch để loại bỏ lượng muối.