Tôi và chồng gặp nhau trong thời điểm tuổi tác của cả hai không còn trẻ. Cả anh và tôi thời điểm đó đều bị tình yêu của mỗi người rời bỏ, nên gặp nhau như duyên phận, là điểm tựa để cùng nhau quên đi người cũ. Đám cưới của chúng tôi diễn ra chỉ sau lần đầu gặp gỡ vỏn vẹn ba tháng.
Cả hai xác định đến với nhau hoàn toàn không vì tình yêu, nhưng hy vọng khi về sống chung một nhà, tình cảm gia đình, quen hơi bén tiếng nhau, cộng với tiếng cười con cái - sẽ là chất xúc tác để người trong cuộc dần gắn bó với nhau hơn.
Nhưng mọi thứ không như tôi hy vọng và cố gắng ban đầu. Cưới nhau về rồi, tôi mới biết mình vớ phải ông chồng vô lo vô nghĩ, lười biếng, không có chí tiến thủ. Anh làm ở một cơ quan Nhà nước, mỗi tháng hành động có ý nghĩa nhất của anh đối với gia đình này là đưa cho vợ 3,5 triệu đồng. Sau này khi mức lương khấm khá hơn, thì tăng lên được 5 triệu.
Mặc dù tôi biết ở vị trí công việc của chồng, bổng lộc mới là chính, còn lương cứng chỉ là vỏ bề ngoài. Tuy nhiên, mỗi lần trong nhà chuyện tiền nong eo hẹp, tôi có trò chuyện với chồng, những mong anh rộng rãi hơn - thì đều bị anh gạt phắt đi, nói tôi suốt ngày chỉ nghĩ đến đồng tiền.
Anh đâu biết từ khi cô con gái nhỏ chào đời, mức sinh hoạt phí trong gia đình tăng lên chóng mặt. Số tiền anh đưa, cộng với lương tôi làm nhân viên hành chính của một công ty tư nhân, cũng chỉ đủ ăn đủ tiêu trong phạm vi eo hẹp. Nhưng vì không chia sẻ được với chồng, mỗi khi lạm chi, tôi đều phải bí mật vay bạn bè, sau đó tìm cách đắp đổi, bù trừ chỗ nọ chỗ kia sao cho vẹn toàn.
Anh sinh ra trong một gia đình nhung lụa, nên khi tôi cưới anh, ai cũng bảo tôi có phúc phần và thật may mắn. Có lẽ tự bản thân anh cũng có ý nghĩ như vậy. Còn tôi sinh ra trong một gia đình đông anh em, mẹ tôi đã ở vậy một mình nuôi năm chị em tôi khôn lớn kể từ ngày bố chẳng may bạo bệnh mất sớm. Biết được xuất phát điểm của bản thân nên tôi luôn cố gắng nỗ lực trong cuộc sống, không mảy may trông chờ gì bên ngoại. Phía gia đình chồng cũng rất kín kẽ với tôi, nên tôi cũng không mơ mộng gì việc nhờ vả tơ hào về kinh tế phía họ.
Thời gian sau hôn nhân, tôi suốt ngày thấy chồng ngủ. Ngoài thời gian đi làm cơ quan, về tới nhà là anh lăn ra ngủ. Nếu không thì game và điện thoại cũng ngốn phần còn lại thời gian của anh. Đến giờ vợ gọi ăn cơm thì ra ăn, tuyệt nhiên không biết nấu nướng hay giặt giũ. Có lần con nhỏ ốm quấy khóc, tôi ngỏ lời nhờ anh xắn tay vào phụ vài ba việc, anh không những không hỗ trợ mà còn cau có với thái độ rất khó chịu, kiểu như mấy việc đàn bà cỏn con vậy mà cũng phải để anh mó tay vào. Đàn ông sinh ra trên đời để làm việc lớn.
Tôi cự cãi, nói chưa thấy anh làm được việc lớn nào ngoài game và ngủ. Thế là một cái bạt tai khiến tôi tối tăm mặt mũi. Cuộc sống vợ chồng ngày một lạnh nhạt và ít đối thoại hơn.
Có lần cơ quan tôi liên hoan buổi trưa. Anh đi làm về không thấy vợ cơm nước, cũng lẳng lặng về nhà mẹ bới cơm ăn, sau đó ngủ trên đó chứ tuyệt nhiên không gọi điện hỏi han vợ con đang ở đâu, đã ăn gì. Tôi đi chợ nấu nướng sao anh mặc kệ. Con cái ốm đau, nhà hết gạo, ống nước bể, điện hỏng...chuyện gì trong nhà anh cũng không quan tâm.
Sống lâu với người chồng vô lo như vậy, tôi cũng trở nên kiệm lời với anh. Bản thân thấy năng lượng dùng để đôi co với anh cuối cùng cũng vô ích, nên tôi chỉ biến thành hành động thiết thực. Mọi việc một tay tôi lo lắng quán xuyến. Cái gì tự làm được thì tôi làm, nếu không thì mượn thợ, nhờ anh em hàng xóm.
Nhiều lúc trong những lúc ngắm con ngủ, có chút thời gian rỗi rãi cho chính mình, tôi ngồi ngẫm nghĩ rốt cuộc mình ở lại cuộc hôn nhân đến thời điểm này để làm gì? Chỉ để có chồng che mắt thiên hạ, hay sống với nhau như một thói quen khó bỏ, ngại thay đổi? Mong con người anh tiến bộ hơn, có lẽ tôi chẳng hy vọng gì nhiều.
Những lúc ngọt nhạt lựa lời để mong chồng động lòng nghĩ lại, chẳng những anh không muốn hiểu mà còn quay ngược lại cáu bẳn với tôi. Anh còn nói tôi nên cảm thấy có phúc vì anh đã cố gắng chịu đựng đến ngày hôm nay. Nếu không cái gia đình này đã tan nát từ lâu rồi.
Tôi nghe mà thấy bàng hoàng. Hóa ra chừng ấy cố gắng của tôi để chèo chống gia đình vẫn chưa bao giờ là đủ. Ngược lại anh đang phải chịu đựng tôi ư? Bản chất con người anh đã như vậy, nếu gặp một cô vợ cũng lười biếng và vô lo nốt, liệu cuộc hôn nhân có duy trì được đến bây giờ?
Tôi chông chênh trong ngôi nhà của chính mình. Nếu ly hôn và bế con ra đi, mẹ tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sự lỡ dở này của con gái. Còn nếu ở lại, liệu tôi có đang sống cuộc đời sống mòn và giết chết dần tuổi thanh xuân của mình?