Mới đây, vụ việc 8 học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải nhập viện do nghịch thuốc lá điện tử trong lớp học giờ nghỉ trưa đã khiến dư luận không khỏi hoang mang.
Trước đó, đầu tháng 12 năm nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhi 5 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch máu chậm sau khi uống dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử.
Một trường hợp khác là nam học sinh 12 tuổi ở Hà Nội cũng phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng khó thở, co giật, run tay, chân, chóng mặt. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử nam học sinh này sử dụng gửi đến Viện Pháp y Quốc gia để tìm độc chất. Kết quả cho thấy, mẫu có thành phần của một số chất gây nghiện.
Hay vụ việc 7 nữ sinh lớp 11 Trường THPT Yên Hưng Quảng Yên (Quảng Ninh) mang theo thuốc lá điện tử đến lớp và rủ các bạn hút cùng. Đến khi gần vào tiết 1, cả 7 em đều có biểu hiện chóng mặt, nôn trong lớp và được đưa tới Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên. Công an thị xã Quảng Yên xác nhận, qua lấy mẫu xét nghiệm đối với 7 nữ sinh đều cho kết quả âm tính với ma túy và các chất kích thích.
Những vụ việc trên tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại của các loại thuốc lá điện tử đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy việc sớm phát hiện con trẻ dùng thuốc lá điện tử là vô cùng quan trọng.
Theo TS.BS. Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, BV Nhi Trung ương, dấu hiệu sớm nhận biết trẻ dùng thuốc lá điện tử bao gồm:
-Trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe: Các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi.
-Trẻ thay đổi hành vi: Trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.
-Tìm thấy những vật lạ trong nhà: Thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, do vậy có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB,… Nếu cha mẹ tìm thấy những vật thể có hình dáng bất thường trong nhà, thì có thể đưa đến bệnh viện để kiểm tra.
-Xuất hiện mùi lạ: Thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ. Những mùi phổ biến là mùi cam, bạc hà, chanh,… Nếu cha mẹ ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử.
-Những hành vi hoặc trò chuyện đáng ngờ với bạn bè: Trẻ có xu hướng lén lút sử dụng cùng với bạn bè, do vậy cha mẹ nên để ý khi trẻ có buổi đi chơi đáng ngờ, tham gia chơi cùng nhóm bạn mới, nhắn tin hay trò chuyện bí mật
Cũng theo TS.BS. Ngô Anh Vinh, để hạn chế tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình trong đó có bố mẹ là rất quan trọng. Do đó, bố mẹ cần chú ý dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt; Phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Trao đổi thêm với Sức khỏe & Đời sống về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, phần quan trọng nhất mà cha mẹ cần phải đảm nhận là giáo dục ý thức đạo đức và rèn kỹ năng sống cho con.
"Thuốc lá điện tử chỉ là 1 nguy cơ chứ không phải là duy nhất. Dạy con về các nguy cơ là cần thiết, các bậc phụ huynh không nên bỏ qua. Thay vì học suốt ngày, các con cần tham gia nhiều hơn các hoạt động như: trồng cây, vệ sinh lớp học, làm việc nhà, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động cộng đồng. Khi đó, các con sẽ đỡ quan tâm đến các trò nguy hiểm".
Để giúp con tránh xa với thuốc lá điện tử, theo TS. Vũ Thu Hương, các bậc cha mẹ cùng con tìm hiểu về thuốc lá điện tử. Dựa trên các thông tin khoa học nghiêm túc, cha mẹ và con sẽ cùng tìm hiểu kỹ các thông tin như: Thuốc lá điện tử là gì, thuốc lá thường là gì; Sự khác biệt của thuốc lá và thuốc lá điện tử; Các loại hóa chất có thể được sử dụng trong thuốc lá điện tử; Tác hại của thuốc lá thường, thuốc lá điện tử; Hình dáng thuốc lá điện tử; Các nguồn cung cấp thuốc lá điện tử trong trường học.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần thảo luận với con về các cách phát hiện và ứng phó khi bị dụ dỗ thử thuốc lá điện tử. Phương pháp là bố mẹ dựng lên các kịch bản dụ dỗ khác nhau và cho con ứng xử xem có ổn không. Làm liên tục trong vài buổi là các con sẽ có kỹ năng nhận diện và ứng phó kịp thời khi bị dụ dỗ.
Còn theo PGS.TS. Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), qua các sự việc trẻ bị ngộ độc bởi thuốc lá điện tử thời gian gần đây cho thấy nhiều bậc phụ huynh còn thiếu kiểm soát con cái. Vấn đề tuyên truyền về các tệ nạn xã hội cần bắt đầu từ sớm và việc thực hiện các quy tắc an toàn trường học cần thực tế chứ không chỉ nằm trên giấy.
"Vấn đề an toàn trường học cần được quan tâm nhiều hơn. Từ an toàn dinh dưỡng thực phẩm, an toàn ra vào trường học, an toàn về tâm lý của học sinh cũng phải đặt ra ở mỗi nhà trường", PGS.TS. Trần Thành Nam nói.