Mía đường là cây thảo cao. Thân đặc cao từ 2-4m, chia thành nhiều đốt rõ, dài 2-5cm, đường kính 2-5cm, bên trong gần như có màu trắng, nhiều xơ, chứa nhiều nước. Lá phủ một lớp sáp, to, bẹ có nhiều lông dễ rụng. Cụm hoa là chùy rộng và to ở ngọn cây, bông nhỏ có một hoa sinh sản.Thân mía đường được dùng giải khát,làm đường mật, đường kính.
Theo Đông y, mía đường vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, nhuận táo, giáng khí. Dùng trong trường hợp ho khan; các chứng mất dịch vị do vị nhiệt, lưỡi đỏ rêu ít, miệng khô khát; cũng có thể dùng cho người nôn ọe nhiều lần, miệng khô buồn bực, đại tiện táo kết …
Những bài thuốc dân gian thường dùng:
Tiểu ngắn gắt đau (bàng quang thấp nhiệt): Thân mía đường 500g, lá mã đề tươi 50g, nấu nước uống thay trà trong ngày.
Miệng lở do nhiệt, chán ăn, miệng khô, táo bón: Thân mía đường 250g, rễ tranh 30g, nấu với 400ml nước uống thay trà, dùng nhiều lần trong ngày. Uống 5-7 ngày.
Ho do hư nhiệt: Thân mía đường vừa đủ dùng cắt vụn, đổ gạo vào nấu chè ăn mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều, mỗi lần 1 bát. Ăn 5 ngày.
Táo bón: Nước mía đường, mật ong mỗi thứ 1 cốc nhỏ, trộn đều uống lúc đói, ngày 2 lần vào buổi sáng, buổi chiều. Uống 5 ngày.
Phụ nữ ra nhiều khí hư:
Dùng lá cây mía đường 30g, lá huyết dụ 20g, lá mò trắng (bạch đồng nữ) 12g, lá mò đỏ (xích đồng nam) 12g, tất cả đem thái nhỏ, sao vàng, sắc với 600ml nước uống thay trà trong ngày. Uống 5-7 ngày.
Phụ nữ có thai hay buồn nôn: Ép lấy 1 bát con nước mía đường (khoảng 150ml), trộn thêm chút nước cốt gừng vào (khoảng 5ml - 1 thìa cà phê), uống như vậy 2 -3 lần trong ngày sẽ đỡ buồn nôn và ăn ngon miệng hơn.
Hỗ trợ an thai: Hái lấy 12g mầm mía đường, rễ cây gai làm bánh (trữ ma căn) 12g, ích mẫu thảo (cỏ ích mẫu) 6g, hương phụ (củ gấu) 6g, sa nhân 3g. Tất cả đem sao vàng, sắc với 500ml nước, sắc còn khoảng 100ml, chia thành 2 phần uống trong ngày. Uống 5-7 ngày.
Chữa viêm dạ dày mạn tính: Nước mía đường, rượu nho mỗi thứ một ly, trộn đều, uống ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. uống 5-7 ngày.