Dấu hiệu nữa là tán cây xuất hiện nhiều nhánh nhỏ và lá khô. Khi một cây đang cố gắng thu hẹp khả năng sinh trưởng, điều này đồng nghĩa với việc cây đã không có đủ dinh dưỡng. Có thể nguyên nhân đến từ côn trùng, sâu đục thân hoặc các nguyên nhân khác. Trên thân cây xuất hiện các vết nứt sâu hoặc thiếu vỏ là dấu hiệu cây có thể chết. Có một cách khá tin cậy để kiểm tra xem rễ cây có bị yếu hoặc thối hay không. Hãy kiểm tra các loại nấm mọc xung quanh gốc cây hoặc trên thân cây. Nếu nấm phủ nhiều hơn trên gốc hoặc vỏ thì đó là dấu hiệu của thân gỗ bên trong đã mục nát, cây có nguy cơ bị ngã bất cứ lúc nào.
Giám sắt chặt chẽ cây cổ thụ già cỗi
Về giải pháp, PGS.TS Trần Hợp cho biết, lâu dài cần có kế hoạch thay thế dần các loại cây cổ thụ quá già tuổi; phân loại nhóm tuổi tồn tại, sinh trưởng cho phép của từng loại cổ thụ để có những biện pháp thích hợp bảo vệ, thay thế… Đó cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nghiên cứu và đưa ra những can thiệp kịp thời đối với hệ thống cây xanh, kể cả những công trình xây dựng hạ tầng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây xanh, nhằm đảm bảo an toàn cho con người và cảnh quan đô thị.
Theo TS Đinh Quang Diệp, nguyên Trưởng Bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên - Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, phương pháp khả thi nhất để tránh xảy ra các sự cố cây xanh chính là thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa cây, nhất là trước mùa mưa bão. Song song đó, cần có kế hoạch thay thế cây mới.
Cây sinh trưởng trong tự nhiên có thể lên đến 100 năm nhưng cây trồng trong đô thị thì tuổi thọ chỉ đạt từ 50-70 năm. Tuổi thọ của cây xanh trong đô thị lúc nào cũng ngắn hơn nhiều so với cây trong tự nhiên. Phải có nghiên cứu bài bản về vấn đề này, từ đó có phương án thay mới cây xanh phù hợp, kịp thời.
Theo chuyên gia, giải pháp trước mắt cho vấn đề cây xanh gãy đổ là cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra kiểm soát hệ thống cây xanh, phát hiện nhanh và sớm nhất những cây bị sâu bệnh. Giải pháp mang tính căn cơ dài hạn là cần huy động tri thức và tinh túy của các chuyên gia, giới khoa học trong vấn đề bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh đường phố.
Phát triển đô thị là tốt nhưng việc phát triển phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, bởi chỉ có thể phát triển bền vững nếu hệ sinh thái không bị phá vỡ. Một trong những biện pháp để giữ gìn và duy trì ổn định hệ sinh thái là không đốn hạ hàng loạt cây xanh, còn khi cần đốn bỏ cây xanh vì phát triển đô thị thì phải đốn hạ từ từ, đồng thời việc đốn hạ phải đi liền với thay thế cây mới.
Với người dân, khi di chuyển dưới trời mưa bão, tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây, tránh các khu vực cao hơn xung quanh. Những loại cây dễ đổ là loại cây có rễ chùm như xà cừ, muồng... Cẩn thận với các khu vực có công trường thi công, nơi có nhiều tấm tôn, sắt lớn. Giữ khoảng cách khi đi gần các xe cỡ lớn như xe buýt, xe tải, xe chở rác… có thể bị nước bắn lên người làm hạn chế tầm nhìn hoặc nguy hiểm hơn là bị xô ngã khi các xe này có thể tạo sóng mạnh ở những đoạn ngập lụt…