Lần đầu làm cha mẹ, bạn hẳn đã bước vào thế giới của "Ôi không, tôi chẳng biết mình đang làm cái quái gì nữa!" bởi mọi thứ mà bạn đọc dường như đều đi ngược lại những gì bạn đối mặt trong thực tế. Dưới đây là những quan điểm nuôi dạy con luôn gây hoang mang những người lần đầu làm cha mẹ nhất bởi họ nhận được rất nhiều lời khuyên khác nhau:
1. Bế bé lên
Khi một em bé đang khóc, việc bế bé lên sẽ giúp xoa dịu bé, bất kể ở tuổi nào. Hơn nữa, chẳng có gì đẹp hơn là hành động bế bồng, âu yếm của mẹ. Đúng là vậy, nhưng chỉ nên áp dụng trong trường hợp bé dưới 3 tháng tuổi mà thôi. Trẻ trên 3 tháng tuổi, việc thường xuyên bế ẵm ngay khi bé quấy khóc có thể khiến bé trở nên quấn mẹ quá mức và "hư" hơn.
Một em bé hư thường đòi hỏi rất nhiều sự chú ý và cần được cha mẹ vỗ về thật lâu mới đi vào giấc ngủ buổi tối. Do đó, quan trọng là bạn không nhượng bộ chuyện này và nên điều tiết số lần ẵm bồng, tạo điều kiện cho bé làm quen với việc tự xoa dịu trước khi bạn can thiệp.
Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ rằng, không đứa trẻ nào thực sự hư và chúng cũng chỉ bé duy nhất 1 lần thôi. Vì vậy, hãy trao cho bé những cái ôm dịu dàng trong khi bạn còn có thể.
2. Tương tác trực tiếp với bé
Các ý kiến bạn nghe được đều là tăng khoảng thời gian tiếp xúc trực tiếp với bé. Nhờ vậy, hai mẹ con sẽ có sự gắn kết và hòa hợp với nhau.
Tuy nhiên, bạn rất cần lưu ý điều này: trẻ sơ sinh cần ít tương tác và có thể dễ dàng bị kích thích quá mức. Kích thích quá mức ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé và đồng nghĩa với việc bé không đi ngủ ngay lập tức. Một điều quan trọng không kém nên ghi nhớ là để bé nghỉ ngơi vào đúng thời điểm nhờ quan sát những dấu hiệu mệt mỏi của bé và chắc chắn rằng, bạn sẽ đưa ra phản ứng nhanh chóng, kịp thời.
Đừng lo lắng nếu bạn có bỏ lỡ vài dấu hiệu cho thấy bé đang mỏi mệt. Trẻ sơ sinh có thể bỏ lỡ một giấc ngủ lúc này hay lúc khác, việc này không gây hại gì, nhưng sẽ không ổn nếu phá vỡ toàn bộ thời gian biểu ngủ - nghỉ của bé.
3. Lên thời gian biểu cho bé hay không?
Đối với lịch trình, việc giữ nguyên thời gian biểu mỗi ngày giúp bé hiểu rằng việc gì sẽ diễn ra tiếp theo. Nhưng việc xáo trộn cũng rất thú vị và tốt cho bé bởi nó giúp bé học được rằng, không phải tất cả mọi thứ đều có thể dự đoán được. Nó cũng có nghĩa là bạn không chỉ gắn chặt với ngôi nhà. Điều này mang lại lợi ích cho bé bởi bé sẽ phải trải nghiệm với thế giới bên ngoài và đón nhận tác động từ đó.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, việc ở nhà trong vòng vài tuần đầu tiên, vài tháng đầu tiên hoặc thậm chí cả năm và hạn chế tối đa các hoạt động cũng có ý nghĩa quan trọng và đem lại lợi ích lớn nhất cho em bé đang trong giai đoạn phát triển của bạn.
4. Cho bé ăn dặm
Rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc cho bé ăn dặm: 4 tháng, 6 tháng, 9 tháng hay 1 tuổi? Thử cho bé ăn dặm quá sớm có thể khiến cả bạn lẫn con đều căng thẳng. Tất nhiên cũng không nên để quá muộn bởi nếu cho trẻ ăn dặm muộn, bạn có thể phải đón nhận một đứa trẻ kén ăn.
Trẻ kén ăn không dễ xử lý và có một nguyên tắc bạn cần thuộc nằm lòng là không bao giờ nên ép buộc trẻ ở độ tuổi chập chững biết đi ăn bất cứ thứ gì mà chúng không muốn. Tuy nhiên, cho trẻ ăn theo ý thích, thiếu sự kiểm soát của bố mẹ cũng không nên..
Trẻ vừa biết đi cần hiểu rằng bạn là người chỉ huy. Trong trường hợp trẻ muốn ăn thêm sữa chua, bạn vẫn có thể cho trẻ ăn với số lượng nhiều hơn thông thường. Sữa chua tốt cho trẻ nhưng cũng đừng để trẻ ăn quá nhiều lần.
Tất nhiên, danh sách những lời khuyên trái ngược dành cho cha mẹ vẫn còn rất dài. Đây mới chỉ là một vài trong số đó bởi chúng chủ yếu liên quan tới trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi. Còn vô số lời khuyên "gây rối" khác đến cùng với từng thời kỳ phát triển của trẻ.
Nhưng như vậy có lẽ cũng đã đủ để giúp bạn suy ngẫm thêm trước khi quyết định lựa chọn bất cứ cách thức chăm sóc, nuôi dạy con nào. Điều quan trọng hơn cả vẫn là một lựa chọn phù hợp với con mình.