Bạc phận kiếp hồng nhan
Thời con gái, cô giáo Đặng Thu Thảo (54 tuổi, quận 7, TP.HCM) từng có một chuyện tình đẹp. Cô và người yêu luôn gắn bó, thấu hiểu nhau trong cuộc sống. Người yêu luôn ủng hộ cô trong mọi quyết định, kể cả ý định mở lớp học tình thương cô hằng nung nấu.
Hai người đã định ngày lành tháng tốt để kết nghĩa trăm năm. Đám hỏi vừa xong, chồng sắp cưới của cô gặp tai nạn rồi qua đời. Nhiều người ác miệng nói cô có số sát phu. Chẳng thể yêu thêm người đàn ông nào khác, cô ở vậy một mình đến tận bây giờ.
Gia đình cô sống tại trung tâm thành phố, cuộc sống ổn định, không phải lo toan kế sinh nhai. Sau đó, nhà cô chuyển về huyện Nhà Bè. Ở vùng ngoại ô, cô đã tận mắt chứng kiến cuộc sống không có ngày mai của nhiều trẻ em mù chữ, không được đi học. Từ đây, cô quyết định lập trường mở lớp, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho những đứa trẻ có cảnh đời khốn khó.
Lớp học tình thương của học trò nghèo
Lớp học tình thương Phước Thiện đặt tại chính ngôi nhà hai tầng của cô Thảo, tọa lạc tại số 59 Mai Văn Vĩnh, phường Tân Quy, quận 7.
Nơi đây, mỗi giáo viên sẽ phụ trách một lớp học. Chương trình học cũng giống như các trường tiểu học khác. Điều đặc biệt là các em không cần phải đóng học phí khi theo học và được ăn trưa miễn phí tại trường. Cha mẹ của các em đều nghèo, đa phần là dân tỉnh lên thành phố mưu sinh bằng các nghề lao động tay chân thu nhập thấp (thợ nề, cắt cỏ, lượm rác, bán rong, vá xe…).
“Các cháu vào đây không phải đóng tiền gì cả. Tiền đồng phục, tiền ăn, tiền chi trả cho giáo viên đều do nhà trường tự lo liệu”, cô Thảo chia sẻ với PV Người Đưa Tin.
Đối với các giáo viên ngày hai buổi đứng lớp, các cô nhận được tiền lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Một số cô không vướng bận kinh tế gia đình, đi dạy bằng tấm lòng thiện nguyện. Một số cô hoàn cảnh khó khăn hơn, chồng đi phụ hồ nên mỗi tháng nhà trường hỗ trợ thêm 10 kg gạo “cứu đói”.
Để có thêm kinh phí duy trì lớp học, cô Thảo thuê thêm người bán cơm tấm trước nhà. Những phòng trống bên trong, cô cho phụ huynh học sinh thuê với giá rẻ.
Năm học này, lớp học tình thương Phước Thiện có 61 học sinh. Căn nhà tuy nhỏ nhưng bố trí các lớp rất khoa học từ lớp 1 đến lớp 4 (năm nay không có lớp 5). Các em đi học từ thứ Hai đến thứ Sáu. Đến giờ ăn trưa, các em tự động phân công theo từng tốp lấy đồ ăn, lau dọn, sắp xếp bàn ghế.
Tiếp nối sự nhiệp trồng người
Gần 3 thập kỷ, lớp học tình thương của cô giáo Thảo vẫn trụ vững qua bao thăng trầm. Có những khoảng thời gian thiếu thốn, lớp không đủ bàn ghế, các cô của ít lòng nhiều mỗi người lại chung tay gây dựng, đóng góp.
Nhờ tấm lòng cao cả của các cô giáo, đã có rất nhiều thế hệ học sinh khôn lớn và thành công trong cuộc sống từ lớp học tình thương Phước Thiện. Là một trong số những học trò thế hệ đầu tiên của cô Thảo, cô Hoa đã tình nguyện trở về lớp học để tiếp nối sự nghiệp trồng người, dạy dỗ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Cô Hoa tâm sự: “Không có cô Thảo chắc tôi không có được như ngày hôm nay. Ba chị em tôi đều được cô cưu mang và dạy học. Khi lớn lên, có công việc ổn định, tôi về thăm cô thì nghe cô bảo lớp đang thiếu giáo viên. Không ngần ngại, tôi bỏ công việc của mình hiện tại và quyết định trở lại lớp học để phụ cô lo cho đàn em sau mình”.