Chủ nhà băng Tín Nghĩa, bừng tỉnh một ý chí
Thập niên 1960 – 1970, kinh tế miền Nam có phần chao đảo. Trong khoảng thời gian này, một số thương gia đứng ra xin phép thành lập Tín Nghĩa ngân hàng nhằm cạnh tranh với 14 ngân hàng trong nước và 13 ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Thế nhưng do các thương gia không gom góp đủ số vốn cần thiết để thành lập nên họ đã mời ông Nguyễn Tấn Đời. Mặc dù chưa biết gì về lãnh vực này nhưng ông đã mạnh dạn góp 1/5 tổng số vốn (40 triệu đồng - tiền thời bấy giờ).
Hoạt động chưa được bao lâu, năm 1966 Tín Nghĩa ngân hàng có nguy cơ đứng trước bờ vực phá sản. Để cứu nguy, ông Đời từ một cổ đông bình thường phải bỏ một số tiền lớn mua lại cổ phần để trở thành cổ đông lớn nhất; đồng thời ông còn phải đóng đủ tiền mặt 200 triệu đồng, hội đủ số tiền dự trữ tối thiểu để ngân hàng Tín Nghĩa được tái hoạt động.
Nhờ những yếu tố như thế, Nguyễn Tấn Đời đã trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng Tín Nghĩa. Sự kiện này đã làm chấn động giới ngân hàng bởi ông không có một chút hiểu biết gì cũng như không có một mảnh bằng nào liên quan.
Nhiều tin thất thiệt được tung ra, nhiều chiêu hạ nhục đối thủ được lan truyền nhắm vào ông nhưng đối với Nguyễn Tấn Đời đó chỉ là những trò hèn hạ. Ông thừa biết mình ít học nên ở một lãnh vực mới cần phải phấn đấu tột độ, quyết tâm phải tạo ra một lối đi riêng để khiến họ phải tâm phục khẩu phục.
Ông đã tung ra những cải tổ gây chấn động, đưa Ngân hàng Tín Nghĩa bước lên dẫn đầu các hệ thống ngân hàng tư nhân tại Sài Gòn.
Lần đầu tiên những khách hàng nhỏ bị lãng quên được ông mời đến tham dự buổi tiệc chiêu đãi tại nhà riêng. Khách được tiếp đón trọng thị và được đảm bảo sẽ bỏ lệ phí mở trương mục và phát hành chi phiếu.
Tiếng lành đồn xa, khách hàng nhỏ tin tưởng đến với Tín Nghĩa khá đông, thực hiện các giao dịch tạo ra không khí rầm rộ chưa từng có.
Rồi đến các khách hàng lớn, các thương gia có máu mặt cũng được tiếp đón trong một bữa tiệc tại nhà riêng. Họ được hứa hẹn những ưu đãi mà chưa có ngân hàng nào dám áp dụng. Cũng chưa tin lắm, ban đầu những khách lớn này chỉ gởi tạm nhưng dần dần thu hút được khá đông bởi lời hứa được thực hiện nghiêm túc.
Tiếp đến là những chiêu quảng cáo. Hình ảnh Tín Nghĩa với ông thần tài cầm 2 xâu tiền đã làm cho nhiều người thích thú nhưng các đối thủ xốn mắt. Ông có những cải tổ đáng kể, bỏ thủ tục rườm rà.
Nhân viên được tuyển dụng nhiều hơn và được trang bị kỹ năng tiếp khách hàng chưa ở đâu có... Tiếng tăm của Tín Nghĩa vang dội khắp nơi. Chỉ trong 5 năm, từ 2 văn phòng ở Sài Gòn với 100 nhân viên, Tín Nghĩa đã phát triển lên đến 32 chi nhánh và 1.000 nhân viên.
Họa phúc khó lường
Sau những cú đột phá của Tín Nghĩa, ông Nguyễn Tấn Đời nổi lên như một hiện tượng. Nhiều người khâm phục trước một con người khởi nghiệp bằng đôi bàn tay trắng, không bằng cấp mà giờ đây trở thành tỉ phú, làm trùm cả giới ngân hàng; đồng thời cũng không ít người tỏ ra ghen ghét vì sự thành công của ông.
Đến lúc này có lẽ cũng cần chút danh, ông ứng cử và đắc cử dân biểu hạ viện đơn vị Kiên Giang. Tiếng tăm ông vang dội.
Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra. Ngày 21/4/1973 ông Nguyễn Tấn Đời dẫn đầu phái đoàn Phòng Thương mại Công kỹ nghệ đi Quảng Trị.
Tại đây, ông nhận được tin sét đánh, rằng "Ngân hàng Tín Nghĩa và các chi nhánh trên toàn quốc bị niêm phong kèm theo lệnh truy nã vợ chồng ông Nguyễn Tấn Đời". Ông bị bắt giam sau đó, Ngân hàng Tín Nghĩa cũng bị xóa sổ.
Cho đến nay, lý do ông Nguyễn Tấn Đời bị bắt vẫn còn là ẩn số. Báo chí thời bấy giờ đưa tin Tín Nghĩa ngân hàng bị mất cân đối thu chi và không còn khả năng chi trả. Riêng với Nguyễn Tấn Đời, ông bị kết vào tội vi phạm trong việc huy động vốn đầu tư và kinh doanh.
Giới thạo tin ngân hàng không ai cho rằng đó là lý do chính đáng. Có thể đây là một đòn thù mà những ngân hàng khác họp lại đánh ông bởi những thành công vang dội và vượt mức của Tín Nghĩa ngân hàng khiến cho giới tài phiệt nóng mặt.
Năm 1975, sau khi được thả, ông Đời sang Canada khi tuổi cũng gần xế chiều. Thế mà, những ngày nơi đất khách, ông tiếp tục ngoi lên thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết.
Những dòng hồi ký của ông có câu "Muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng". Đây mãi mãi là bài học cho các thế hệ mai sau.