Phụ Nữ Sức Khỏe

Câu chuyện của chàng bác sĩ trẻ và công việc lặng thầm trong cuộc chiến chống dịch

Mệnh lệnh lên đường luôn đột xuất bởi dịch bùng lên bất cứ lúc nào. Hơn một tháng trước đang quay cuồng với công việc tại Bình Dương, Tú trở ra Hà Nội tác chiến. Liên tục từ đó đến giờ cậu cùng đồng nghiệp làm việc đến 16 tiếng mỗi ngày vẫn cảm thấy không đủ…

Trần Anh Tú bắt đầu câu chuyện với tôi vào một buổi tối rất muộn khi vừa trở về từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nơi cậu và đồng nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ cập nhật dữ liệu ca mắc COVID-19 trong đợt xét nghiệm diện rộng của Thủ đô.

Áp lực

Từ ổ dịch đầu tiên ở xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), huyện Mê Linh (Hà Nội) đến Đà Nẵng, Hải Dương, nơi nào cũng có mặt Trần Anh Tú, bác sĩ Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư). Đợt dịch thứ 4 này, sát thủ là biến thể Delta có sức công phá dữ dội lại thấy cậu có mặt ở điểm nóng Bắc Ninh, Bắc Giang rồi Bình Dương. Những lần lao vào tâm dịch xa nhà, Tú thường chào vợ con bằng một tin nhắn thông báo ngắn gọn rồi xếp vài bộ quần áo lên đường, hệt đánh du kích vì cậu không có nhiều thời gian chuẩn bị.

Tú và Tổ thông tin đáp ứng nhanh báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tình hình dịch COVID-19

Tôi hỏi Tú: “Cuộc chiến tại Hà Nội, gần nhà, hậu phương kề bên có đỡ căng thẳng hơn những lần trước không?”. Đáp lại là cái nhíu mày trên gương mặt thư sinh. Không khí trầm lại. “Áp lực hơn chị ạ”, Tú phá vỡ không gian yên lặng bằng câu nói ngắn gọn. Đi qua bao ngày giông bão tại những vùng dịch bệnh, Tú càng thấm sự khốc liệt của loại virus bí hiểm này. So với những vùng dịch đã qua, Hà Nội quy mô rộng hơn, khó khăn, phức tạp hơn dù lực lượng chống dịch mạnh hơn. Hè năm ngoái, chảo lửa Đà Nẵng từng bào mòn sức bác sĩ trẻ nhưng hồi đó cũng chỉ có 2 phòng xét nghiệm hoạt động liên tục. Lần này, cứ điểm CDC Hà Nội với 20 phòng xét nghiệm thực hiện cả trăm nghìn mẫu của người dân thực sự gây sức ép lên những người làm dữ liệu như Tú.

Tú được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư giao nhiệm vụ phối hợp cùng với Tổ thông tin đáp ứng nhanh, lực lượng CNTT tình nguyện, trong đó có Văn phòng Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (Bộ KH&CN) hỗ trợ Tổ công tác số 1 (Sở chỉ huy Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Hà Nội) xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu xét nghiệm. Đây là mô hình của Tổ công tác chống dịch Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư từng áp dụng rất hiệu quả ở Bắc Giang và nay được cải tiến, đưa vào sử dụng ở Hà Nội. “Nếu xuất hiện mẫu dương tính mình sẽ có sẵn dữ liệu về địa chỉ, số điện thoại liên lạc, hỗ trợ cho TTYT quận/huyện có thể nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, xử lý ổ dịch”, Tú giải thích về công việc của mình.

Tú đại diện cho nhóm chuyên gia tập huấn trực tuyến cho hơn 800 người, bao gồm cán bộ y tế tham gia lấy mẫu và lực lượng tình nguyện hỗ trợ nhập liệu như đoàn thanh niên, giáo viên tại các quận huyện. Trong vòng ít ngày những người này đã nhập liệu được vài trăm ngàn mẫu lên hệ thống. “Trước đây CDC phải thực hiện nhập số liệu từ cơ sở chuyển lên bằng giấy, khi có ca dương tính phải tra lại giấy tờ rất mất thời gian. Nhưng giờ đây nhờ số hóa từ tuyến cơ sở, công tác truy vết được chính xác và nhanh hơn nhiều”, Tú chia sẻ.

Công việc của bác sĩ trẻ mang tính chất xử lý thông tin đến từ nhiều nguồn dữ liệu. Từ lúc đi gặp bệnh nhân, phỏng vấn, lấy thông tin liên quan đến hành chính, dịch tễ, diễn biến bệnh... để tổng hợp lại. Qua đó đưa ra thông tin dịch khái quát cả về cộng đồng hoặc một khu vực. Khi có thông tin, các nhà phân tích dịch tễ học sẽ dựa vào đó để nhận định tình hình, đưa ra các quyết định chống dịch kịp thời. Nếu khai thác thông tin không đầy đủ, chính xác và kịp thời, có thể dẫn đến việc nhận định sai, đưa ra các biện pháp chống dịch không phù hợp và hậu quả rất nguy hiểm. Tú bảo, không ai nói ra nhưng mọi người trong nhóm đều chung áp lực bởi Hà Nội là thủ đô với dân số đông, mọi sai lầm trong tính toán số liệu đều phải trả giá đắt. Mỗi ngày ngoài nhập liệu lên hệ thống và phân tích, Tú còn nghe không biết bao nhiêu cuộc điện thoại, trả lời vô số các tin nhắn từ cán bộ của 30 quận huyện, hỗ trợ họ xử lý số liệu và những tình huống phát sinh.

Bác sĩ Trần Anh Tú

“Trần Anh Tú là một bác sĩ trẻ tiêu biểu, nhiệt tình, nhiệt huyết, có kiến thức chuyên môn, đi qua nhiều ổ dịch nhưng bạn ấy không ngại gian khổ”.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đánh giá về lính của mình

Sức ép công việc là vậy nhưng “thỉnh thoảng em chơi game, vẽ những bản đồ dịch rồi trang trí lên, vừa giải trí lại có ích cho công việc chống dịch. Hiệu quả công việc mới là điều quan trọng”, nghe như có tiếng cười nhẹ trong lời tự sự của chàng bác sĩ 32 tuổi.

Bản lĩnh người trẻ

Mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhưng càng như thế càng phải bình tĩnh, kể cả bị trách mắng cũng phải bình tâm. Cậu tâm niệm “nếu tự ái sẽ không làm được gì, hãy xem đó là chuyện bình thường vì không ai ghét mình cả, chẳng qua họ cũng bị áp lực”.

Gần 2 năm lăn lộn qua các điểm nóng dịch bệnh, Tú coi đó là khoảng thời gian trải nghiệm giúp tích lũy kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước để lớn dần lên. Chọn cho mình công việc của bác sĩ dự phòng, Tú cùng các đồng nghiệp hơn ai hết biết mình bắt đầu hành trình đi vào bất cứ nguồn lây nhiễm và tâm dịch nguy hiểm nào vì chỉ như thế mới có thể trực tiếp điều tra dịch tễ, tìm hiểu chính xác các yếu tố gây lây nhiễm. Tám năm trước khi còn là bác sĩ mới vào nghề và cho đến bây giờ khi đã kinh qua những ổ dịch đầy cạm bẫy, luôn thường trực nguy cơ bị lây nhiễm virus Trần Anh Tú may mắn luôn được các đàn anh hướng dẫn tận tình. Mỗi ngày Tú càng thấu hiểu “đối mặt và vượt qua khó khăn trong công việc là cách để người trẻ tuổi trưởng thành nhanh hơn”.

Vóc dáng nhỏ bé nhất, ít tuổi nhất, đi kèm với đó là kinh nghiệm nghề nghiệp non nhất. Những cái nhất đó ngỡ là rào cản với bác sĩ trẻ khi cùng các bậc tiền bối tham gia vào bao trận đánh để đời với kẻ thù giấu mặt mang tên COVID-19. Nhưng không, Tú đã vững vàng và đầy bản lĩnh để tiếp tục cuộc chiến chưa định ngày kết thúc này.

Bác sĩ dự phòng không khoác áo blouse trắng như phần đa bác sĩ điều trị, họ gắn với những bộ đồ bảo hộ. Không nhiều người biết đến công việc của họ, nhưng nếu không có những lặng thầm ấy cuộc chiến khốc liệt này sẽ nối dài mất mát, đau thương. Phía trước còn đó cam go, thử thách. Ngày mai, cùng nhiều ngày sau dẫu điệp trùng gian khó những con người ẩn mình vẫn chiến đấu kiên cường.

Hội đồng Thanh niên châu Á vừa trao Giải thưởng Vinh danh Lãnh đạo trẻ tiêu biểu châu Á năm 2021 cho bác sĩ Trần Anh Tú. Giải thưởng nhằm tôn vinh 10 thủ lĩnh thanh niên châu Á từ 18 - 35 tuổi, tích cực khởi xướng các hoạt động ứng phó với COVID-19; tham gia các hoạt động tình nguyện đóng góp cho cộng đồng, mang lại thay đổi tích cực cho xã hội.

Lần nào gặp Tú tôi cũng nghĩ đến bao gương mặt nơi chiến trường không tiếng súng, không mấy ai biết đến họ. Nhưng nếu không có họ, thì nhất định mọi sự không thành. Cống hiến, nhiều khi không cần lên tiếng, không cần lộ mặt, nhưng lại nhớ câu nói quen thuộc rằng, im lặng nhiều khi là đỉnh cao của âm thanh…

Họ như lính trinh sát tinh nhuệ của một trận chiến sinh tử. Bất luận một dấu hiệu nào, thuận hay nghịch, khó hay dễ, đều phải được ghi chép và lưu trữ. Lực lượng phía sau căn cứ vào đó mà tấn công. Không có họ, chắc chắn không ai biết địch đâu mà đánh. Im lặng, ẩn mặt và không tên. Không sao. Nhiều khi, tượng đài được dựng lên bằng bóng đổ lặng im dưới chân người lính…

Theo Thái Hà/Tiền Phong

Tin liên quan

Ngày 3/9: Thêm 14.922 ca mắc COVID-19, riêng TP HCM có đến 8.499 ca

Bản tin dịch COVID-19 ngày 3/9 của Bộ Y tế cho biết, có 14.922 ca mắc COVID-19, riêng TP HCM...

Sáng 3/9: Gần 260.000 ca COVID-19 đã được chữa khỏi; 10 địa phương đã qua 14 ngày không có ca...

Bộ Y tế cho biết đến nay Việt Nam có 486.727 ca mắc COVID-19, trong số này có gần 260.000...

Bắc Ninh phát sinh 3 ổ dịch nguy cơ cao

Bắc Ninh hai ngày qua ghi nhận 3 ca dương tính nCoV trong cộng đồng, phát sinh 3 ổ dịch...

Hàng chục trẻ em Ấn Độ tử vong vì đợt sốt lạ

Hàng chục trẻ em ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ bị sốt cao, mất nước và buồn nôn dẫn đến...

Thêm 40 công nhân nhiễm SARS-CoV-2 ở công ty '3 tại chỗ'

Hầu hết công nhân của Công ty TNHH Anh Ánh Kim bị mắc Covid-19 nhưng người thân của các F0...

Tụ tập cúng bái giữa mùa dịch, 18 người bị phạt 306 triệu đồng

Mặc dù địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 để phòng, chống dịch nhưng...

Sáng 2/9: Hơn 6.330 ca COVID-19 nặng đang điều trị; cụ bà 101 tuổi ở Đà Nẵng, từng thở máy...

Đến nay Việt Nam có 473.530 ca mắc COVID-19, hơn 50% trong số này đã khỏi bệnh. Trong số các...

Tin mới nhất

Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình

14 giờ trước

Vì sao con người lùn đi khi về già?

14 giờ trước

Đàn ông cũng cần được khóc

14 giờ trước

Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại ở 1 huyện

18 giờ trước

Bộ Y tế trả lời về đề nghị cân nhắc sửa toàn diện Luật Bảo hiểm y tế

18 giờ trước

Có 3 loại cây nhà giàu nào cũng thích: Trồng trước nhà hút tài lộc đuổi vận xui, trồng sau...

23 giờ trước

Ăn canh nấm rừng, 8 người bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu khẩn

23 giờ trước

Cứu người phụ nữ ăn lá ngón tự tử vì giận chồng

1 ngày 11 giờ trước

Bác sĩ TP.HCM dùng ruột non tái tạo thực quản cho bệnh nhân ung thư

1 ngày 14 giờ trước

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình