Tràn lan dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới
Gần Tết, dịch vụ đổi lẻ, tiền mới lại bắt đầu hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khoá "Đổi tiền mới", "đổi tiền lẻ"... là hàng chục hội nhóm, bài đăng quảng cáo dịch vụ đổi tiền này xuất hiện.
Theo khảo sát của phóng viên, dưới mỗi bài đăng dịch vụ đổi tiền trên facebook sẽ có phí đổi khác nhau, dao động từ 2 - 15% tuỳ vào mệnh giá tiền cần đổi. Phí quy đổi này không có một mức giá chung, mà tùy thuộc vào người đăng bài.
Cụ thể, tại một tài khoản facebook có tên V.B cho biết, càng gần đến Tết, nhu cầu đổi tiền mới càng cao, đồng thời cũng công khai phí đổi. Với tiền có mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng thì phí đổi sẽ là 50.000 đồng/1triệu. Còn khi đổi tiền với mệnh giá 50.000 đồng sẽ mất phí 40.000 đồng/1 triệu. Với khách hàng ở gần thì V.B sẽ giao nhận tận tay. Còn khách ở xa thì phải chuyển khoản trước, sau đó V.B mới gửi tiền đổi cho khách.
Về những rủi ro tiềm ẩn khi đổi tiền qua mạng, luật sư Tạ Anh Tuấn - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay: "Việc người bán yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước toàn bộ số tiền cần đổi cùng phí chênh lệch sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì hầu hết các dịch vụ đổi tiền lẻ không có địa chỉ cụ thể mà chỉ giao dịch qua tin nhắn, các kênh mạng xã hội.
Không ít người khi nhận tiền đổi về, cọc tiền đổi bị cũ, rách thậm chí là tiền giả. Đồng thời không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ Fanpage chặn liên lạc và mất tích".
Liên hệ với một tài khoản khác đăng bài quảng cáo đổi tiền tại TP Hồ Chí Minh, phóng viên ngỏ ý muốn đổi tiền nhưng lại ở Hà Nội, người này cho biết, muốn gửi tiền đổi ra Hà Nội sẽ gửi qua xe khách hoặc dịch vụ giao hàng tiết kiệm. Những dịch vụ này sẽ kèm thêm chi phí bảo hiểm. Người này cũng thông tin thêm là càng gần Tết càng cháy hàng, không có tiền để đổi cho khách nên phải tích trữ gom góp từ đầu năm.
Đổi tiền trên mạng xã hội là bất hợp pháp
Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dừng phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng) vào dịp Tết Nguyên đán. Tiền mệnh giá nhỏ gồm cả tiền cũ và tiền mới sẽ được phát hành vào các thời điểm trong năm để đảm bảo nhu cầu của người dân.
Tại Thông tư số 25/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, chỉ những tổ chức được nhà nước cho phép như Ngân hàng nhà nước, Kho bạc nhà nước... mới được phép thu, đổi tiền. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền đều là bất hợp pháp.
Hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch, thu phí đổi có thể bị xử lý, xử phạt nghiêm theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cá nhân vi phạm bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng. Tổ chức vi phạm thì mức xử phạt hành chính sẽ bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
"Việc đổi tiền lẻ, tiền mới mất phí trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro, thế nhưng với thói quen đổi tiền đi chùa, tiền mới để mừng tuổi của người dân dẫn đến trình trạng "có cung ắt có cầu.
Người dân không nên đổi tiền trên mạng xã hội, khi gặp phải tiền đổi bị giả, nhiều người đành bấm bụng chấp nhận, không dám trình báo cơ quan công an, tạo điều kiện cho các đối tượng trên tiếp tục hoạt động lừa đảo. Khi có nhu cầu đổi tiền, người dân nên đến ngân hàng để đổi theo đúng quy định pháp luật", luật sư Tạ Anh Tuấn nói.